Giải cứu nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc
VOV.VN - Qua thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên tại Quảng Ngãi bị “sập bẫy” sang Campuchia làm việc với mức lương mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Khi sang Campuchia công việc không như mong muốn, họ bị nhốt, đánh đập, nhưng muốn quay về Việt Nam thì phải có tiền chuộc. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp cơ quan chức năng giải cứu nhiều nạn nhân trở về quê hương.
Cuối năm ngoái, qua trang mạng xã hội “Kiếm việc Quảng Ngãi”, anh Trần Văn Phúc, ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã đăng ký và được hướng dẫn qua Campuchia làm việc. Không như lời đã hứa "việc nhẹ lương cao", khi sang Campuchia làm việc.
Anh Trần Văn Phúc vẫn còn kinh hoàng khi kể lại những tháng ngày ở nơi đất khách quê người: "Họ bắt em làm một văn bản lừa đảo để gửi đi. Họ ép phải tiếp tục lừa người Việt Nam mình, nếu không làm họ sẽ đánh chảy máu".
Còn ông Nguyễn Văn Thái, ở huyện Minh Long phải vay mượn tiền để chuộc một lúc đứa con ruột và đứa cháu bị lừa "việc nhẹ lương cao" tại Campuchia. Ông Thái cho biết: “Con cháu bên đó điện về hối liên tục, bị khủng hoảng tinh thần. Một ngày làm việc từ 16 đến 17 giờ, ngủ gục thì bị chích điện”
Từ đâu năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận đơn đề nghị giải cứu của 9 trường hợp là công dân trên địa bàn tỉnh có người thân bị kẻ xấu lừa sang Campuchia lao động. Trong đó, phối hợp cùng gia đình giải cứu 3 trường hợp. Thủ đoạn của kẻ xấu là sau khi lừa người nhẹ dạ sang Campuchia làm việc, muốn trở về Việt Nam thì phải liên lạc với người thân chuyển tiền chuộc từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Không ít trường hợp dù đã chuyển tiền nhưng vẫn chưa được trở về quê hương.
Thượng tá Phạm Quang Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội. Nếu có nhu cầu tìm việc làm nên tìm hiểu tại các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm đã được cấp phép. Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi làm việc như: tên công ty, địa chỉ nơi làm việc, công việc cụ thể, kiểm tra tính xác thực của những thông tin này trước khi đến làm việc. Thượng tá Phạm Quang Tuấn cho biết:
Thượng tá Phạm Quang Tuấn cho biết: “Có 6 trường hợp chúng tôi phối hợp với Cục Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp (C22) để giải cứu. Các em này đa số thông qua mạng xã hội, nhắn tin tìm việc làm, sau đó gia đình phát hiện thì có báo cơ quan chức năng./.”