Lo ngại tình trạng dân tự xử lý các hành vi bất bình thay cơ quan chức năng
VOV.VN - Thời gian gần đây, một số nhóm người tự cho mình quyền phán xử đối với người có hành vi gây bức xúc dư luận. Điều này gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bởi bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của cách hành xử vi phạm pháp luật này.
Một nhóm “anh em xã hội” đã tìm đánh Lê Tấn Thành – đối tượng hành hung nữ sinh lớp 10 sau va chạm giao thông tại Bình Dương. Hàng trăm người đã kéo đến tiệm tập gym ở quận Bình Tân (TPHCM) để “hỏi tội” Duy Nguyễn – người có phát ngôn phản cảm về tang lễ cố nghệ sỹ Chí Tài trên mạng xã hội. Đây là hai sự việc mà người dân tự xử lý thay cơ quan chức năng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc tự cho mình quyền lấy bạo lực để xử lý người có hành vi bạo lực đang dấy lên nhiều lo ngại và nhiều người tỏ ra bất bình với hành vi này.
Bất bình cũng phải tuân thủ pháp luật
Có thể nói, hành vi man rợ của Lê Tấn Thành hay những lời lẽ xúc phạm của chủ phòng gym Duy Nguyễn tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Và một nhóm người, lợi dụng tâm lý đó để tự cho mình cái quyền “thay trời hành đạo”, dùng cái quyền tự phán xét thay pháp luật.
Bạn Hải Đường, ngụ tại Quận 7, TPHCM cho rằng, hành động như vậy xuất phát từ sự phẫn nộ của người dân khi người ta cảm thấy bất bình trước các phát ngôn của anh Duy gymer hay người đánh nữ sinh ở Bình Dương. Theo Hải Đường, sự bất bình phải có sự tuân thủ pháp luật chứ không phải kéo người tới hành hung hay bạo lực tinh thần. Bởi, như vậy sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến xã hội”.
Hai việc nêu trên chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc mà người dân tự xử lý vấn đề của xã hội một cách bất chấp luật pháp xảy ra thời gian gần đây. Hậu quả của hành vi này đã có, như trường hợp xảy ra vào tháng 2 năm 2020 khi đối tượng trộm chó ở Nghệ An bị người dân đánh chết. Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi trên. Đó là, nhiều người bị yếu tố tâm lý đám đông dẫn dắt; quy trình xử lý theo pháp luật còn rườm rà, chậm trễ khiến người dân bức xúc.
Thậm chí có nhiều vụ việc vì những lý do khác nhau nên xử lý không nghiêm, gây mất niềm tin của người dân vào pháp luật, dẫn tới việc họ tự giải quyết bằng vũ lực, có khi bằng… “luật rừng”. Ngoài ra, chính sự vô nhân tính trong cách hành xử, như trong vụ việc nam thanh niên hành hung nữ sinh ở Bình Dương, đã kích hoạt sự bức xúc trong dư luận, dẫn tới hành vi người dân tự xử lý thay cơ quan thực thi pháp luật. Trong sự bùng nổ của mạng xã hội, sự bức xúc đó đã bị một số người lợi dụng để tạo scandal để đưa lên Facebook, Youtube câu view.
"Thay trời hành đạo"- không nhận thức đúng cũng là vi phạm pháp luật
Về vấn đề này, ông Đặng Đình Thịnh–Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TPHCM- Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, hành vi tự xử lý mà không cần đến cơ quan chức năng, cho thấy thái độ coi thường pháp luật. Bản thân những người tham gia không nhận thức được rằng, chính mình cũng đang vi phạm pháp luật.
Theo ông Đặng Đình Thịnh, thời gian qua, hành vi này có dấu hiệu gia tăng, nguyên nhân do chúng ta xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi, đấu tranh với cái ác, cái xấu của xã hội rất nên nhưng cần phải có phương pháp phù hợp, khoa học, văn minh lịch sự. Thậm chí, chúng ta phải góp ý với hành vi sai một cách chân thành, một cách xác đáng để người có hành vi sai trái nhận ra để sửa lỗi. Nếu xử lý hành vi quá lố như vậy cũng khiến họ rất ấm ức và không chịu thay đổi. Về mặt pháp luật chúng ta cũng phải xử nghiêm minh những vụ việc đã gây hậu quả. Xử nghiêm minh để trên cơ sở đó uốn nắn lại hành vi cử xử một cách văn minh, có văn hóa.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, chỉ với một vài thao tác gõ phím, hay click chuột, quan điểm của mỗi người trên toàn cầu trở nên gần nhau hơn. Cho nên, đừng vì sự bức xúc, bốc đồng nhất thời mà để đối tượng xấu lợi dụng, rồi vô tình trở thành người gây ra nỗi bất an trong xã hội. Đấu tranh, lên án cái xấu luôn là điều cần thiết, là trách nhiệm của mỗi công dân, nhưng không phải đấu tranh bằng các hành vi vi phạm pháp luật./.