Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp trước nguy cơ IS hồi sinh
VOV.VN - Mối đe dọa từ IS đang ngày càng hiện hữu và đặt ra những thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đối phó.
Sáng 24/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có cuộc họp về các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu do các hành động khủng bố gây ra, đặc biệt là nhóm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cuộc họp diễn ra sau khi IS vẫn thực hiện các vụ tấn công tại nhiều nơi trên thế giới, bất chấp sự thất bại tại Iraq và đang trên đà thất trận tại Syria.
Một thành viên Lực lượng chống khủng bố của Iraq. Ảnh: AFP
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong tuần này đã xuất hiện lần đầu tiên trong gần 1 năm qua và kêu gọi những kẻ ủng hộ khủng bố trên toàn thế giới tiếp tục thực hiện các vụ tấn công.
Ngày 23/8, Chính phủ Libya do Liên Hợp Quốc ủng hộ tuyên bố tình trạng báo động cao trên toàn quốc ngay sau cuộc tấn công đẫm máu của các tay súng IS tại một trạm kiểm soát ở thị trấn Zliten, phía Tây nước này. IS cùng ngày đã tấn công một vị trí của Các đơn vị dân quân cơ động Iraq (PMU) ở tỉnh Saladin, làm nhiều người thương vong. IS cũng thừa nhận tiến hành vụ tấn công bằng dao ở ngoại ô thủ đô Paris của Pháp, làm 2 người chết…
Đây là những bằng chứng mới nhất về nguy cơ của IS đang tiếp tục hiện hữu khắp mọi nơi, từ khu vực cái nôi của IS là Iraq, hay Libya - quốc gia được cho là “thiên đường mới” của IS sau khi thất trận tại Iraq và Syria, hay các quốc gia phát triển châu Âu. Không bằng các vụ tấn công chấn động toàn thế giới làm nhiều người thương vong nhưng với các vụ tấn công mới, IS vẫn đang reo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân toàn thế giới.
Sự xuất hiện của thủ lĩnh IS sau gần 1 năm qua với lời kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công cho thấy những nguy cơ khủng bố tiếp tục hiện hữu. Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khủng bố ngày 23/8, Giám đốc Ủy ban điều hành chống khủng bố Liên Hợp Quốc (CTED) về các tay súng khủng bố nước ngoài Michèle Coninsx cảnh báo, IS vẫn là mối lo ngại nghiêm trọng bất chấp những tổn thất mà chúng phải gánh chịu thời gian qua.
“Mối đe dọa từ IS đang ngày càng hiện hữu và đặt ra những thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đối phó. Bất chấp những thất bại quân sự, vẫn tồn tại các tay súng IS tại Iraq và Syria. Những lực lượng này đang tiếp tục biến đổi nguy hiểm để phát triển thành một mạng lưới toàn cầu bí mật, trong khi tiếp tục tập trung đẩy mạnh củng cố các nhánh trong khu vực”, ông Michèle Coninsx nói.
Nga: Các cơ quan nước ngoài đang cung cấp vũ khí cho IS ở Syria
Kể từ cuối năm 2017, IS đã bị đánh bại tại Iraq và đang trên đà bị xóa sổ tại Syria. Tuy nhiên, những thành phần cốt cán và khoảng 20.000 tay súng IS có thể vẫn tồn tại và chờ thời cơ hành động. Tình trạng xung đột tiếp diễn cũng như các thách thức ổn định tại Iraq và Syria cùng một số quốc gia trong khu vực sẽ là cơ hội để IS hồi sinh.
Bên cạnh đó còn phải kể đến những chân rết của IS vẫn đang hiện diện ở Afghanistan, Đông Nam Á, Tây Phi và Libya, cùng một số khu vực khác ở mức độ nhỏ hơn như Yemen, Somalia và vùng Sahel. Ngoài ra, vẫn còn những mối lo ngại liên quan đến nguy cơ các tay súng nước ngoài trở về quê hương hay những kẻ âm thầm ủng hộ IS thực hiện các vụ tấn công tại quê nhà. Nỗ lực ngăn chặn các nguồn lợi tài chính cho IS cũng gặp nhiều khó khăn, với khả năng IS vận động tài chính ngầm thông qua các quốc gia trung gian, gây khó khăn cho các hoạt động phát hiện và ngăn chặn.
Phó Tổng Thư ký phụ trách Cơ quan chống khủng bố Liên Hợp Quốc Vladimir Voronkov cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phải có những chiến thuật và nỗ lực mới để đối phó với một nguy cơ IS hồi sinh.
“Để đối phó với các mối đe dọa do IS và rộng hơn là chủ nghĩa khủng bố, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, chia sẻ thông tin tình báo, xây dựng khả năng đối phó là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, sự gia tăng các biện pháp tinh vi và phức tạp do khủng bố sử dụng đòi hỏi các biện pháp đối phó mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ”, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Voronkov nhấn mạnh.
Liên Hợp Quốc cũng cho biết đang thúc đẩy các cơ chế, hợp tác với các nước liên quan giải quyết những vấn đề quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố như ngăn chặn hoạt động hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm, quản lí biên giới, tăng cường luật…/.
Vụ tấn công bằng dao ở ngoại ô Paris ít có khả năng là khủng bố
Thủ lĩnh IS xuất hiện lần đầu tiên sau gần 1 năm