Thừa nhận chuyển giới sẽ vi phạm luật Hôn nhân gia đình?
VOV.VN - ‘Việc cấp đổi giấy tờ cho người chuyển giới lại là hình thức gián tiếp thừa nhận hôn nhân đồng giới. Như vậy sẽ vi phạm Luật Hôn nhân gia đình”
Theo Bộ luật Dân sự hiện hành, việc xác định lại giới tính của một người chỉ được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, tại Điều 40 khoản 4 đưa ra 2 phương án: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho rằng, Quốc hội vừa thông qua luật Hộ tịch và trong đó vẫn kế thừa quy định hiện nay là vấn đề xác định lại giới tính. Luật quy định theo hướng: trong trường hợp có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ cho phép xác định lại giới tính.
Còn liên quan đến việc chuyển giới, ông Khanh cho rằng, hiện nay có hàng ngàn người đã chuyển giới. Có nghĩa có người 100% là nam (hoặc nữ) nhưng họ không thích giới tính hiện có và phẫu thuật chuyển sang giới tính khác. Đây là vấn đề trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng đang đặt ra và trong một số diễn đàn Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến.
“Quan điểm của tôi thì cho rằng, nếu Nhà nước thừa nhận vấn đề chuyển giới là quyền dân sự thì hãy quy định trong Bộ Luật Dân sự vì quyền dân sự gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, liên quan đến quyền cơ thể của mỗi người. Còn nếu không coi việc chuyển giới không phải là quyền dân sự thì không nên quy định trong Bộ Luật Dân sự” - Ông Khanh nêu quan điểm.
Cho chuyển giới sẽ vi phạm luật Hôn nhân gia đình?
Đối với những người đã chuyển giới, việc xử lý như thế nào? Theo ông Khanh, cần phải xử lý một số vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến giấy tờ pháp lý. Hiện nay mới có duy nhất luật Hộ tịch và Nghị định 158/2005 về quản lý và đăng ký hộ tịch quy định về căn cứ xác định lại giới tính.
“Ngoài ra chưa có cơ sở pháp lý nào cấp lại giấy tờ, cụ thể như chứng minh thư nhân dân… cho những người này. Nếu chị Nguyễn Thị A sang Thái Lan chuyển giới thành nam thì khi về Việt Nam chứng minh nhân dân vẫn là Nguyễn Thị A. Chính vì thế, những giấy cấp cho họ chưa có cơ sở pháp lý và điều này cũng gây khó khăn cho họ trong cuộc sống.”- ông Khanh thừa nhận.
“Tuy nhiên, nếu cho phép thay đổi giấy tờ với những đã người chuyển đổi giới tính thì họ sẽ mang giấy tờ đó đi kết hôn. Luật Hôn nhân gia đình thì quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng họ cứ đi sang Thái Lan phẫu thuật và về Việt Nam họ vẫn mang giới tính cũ thì vô hình trung, việc cấp đổi giấy tờ cho người chuyển giới lại là hình thức gián tiếp thừa nhận hôn nhân đồng giới” - Ông Khanh cho biết./.