Coi trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự
VOV.VN - Cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội.
Suy đoán vô tội hay giả định vô tội, là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại trong việc bảo vệ quyền con người và được quy định trong Hiến pháp.
Vì vậy, khi cho ý kiến về một số nội dung lớn của Dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, cần quy định rõ về nguyên tắc suy đoán vô tội, vấn đề bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can… để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử.
Ông Nguyễn Thanh Chấn - một trong những "nạn nhân" của án oan sai (Ảnh: Việt Đức) |
Từ thực tế áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong thời gian qua, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, các cơ quan tư pháp có trách nhiệm, nhất là cơ quan điều tra phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện song song hai công tác này mới có thể không để lặp lại lỗi thường được cơ quan điều tra mắc phải là không chú ý đến các tình tiết gỡ tội, chỉ tập trung chứng minh tội phạm, buộc bị can phải chịu tội, chịu trách nhiệm cho một vụ việc, nên có thể dẫn đến oan sai mà vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang là ví dụ điển hình.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước cho rằng, chứng minh trong tố tụng hình sự là hoạt động cực kỳ phức tạp. Mọi sai lầm trong chứng minh nhiều khi có thể phải trả giá bằng sinh mạng của con người. Do đó, nếu chỉ chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc coi tố tụng hình sự chỉ đơn thuần là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ thể. Nó đồng nhất người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng thiếu căn cứ, nhiều trường hợp khi vụ án được xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Lúc đó, có bồi thường oan sai đi chăng nữa thì hậu quả đối với họ không thể nói là đã bù đắp được toàn bộ.
Ông Ksor Phước đề nghị: “Giai đoạn điều tra ban đầu của cơ quan điều tra hay dẫn đến sai sót. Các cơ quan Toà án, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phải coi trọng nghiên cứu suy xét kỹ lưỡng. Kiên quyết không cho phép lặp lại sai phạm trong quá trình truy tố, xét xử”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, Dự luật chưa toát lên được “xuất phát của nguyên tắc suy đoán vô tội”. Khi điều tra phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm của họ, xem có tình tiết nào vô tội và chú ý tình tiết bị can nói không phạm tội chứ không phải ngay từ đầu đã xác định họ có tội để thu thập chứng cứ buộc tội họ.
“Khi xét hỏi thì ai hỏi trước, hỏi sau rất quan trọng bởi nó liên quan đến đổi mới xét hỏi hay không. Ví dụ kiểm sát viên đọc cáo trạng rất dài sau đó lại đi hỏi. Nếu hỏi phải là người khác hỏi vì kiểm sát viên vừa đọc cáo trạng xong. Vậy bị cáo có được quyền hỏi lại không? Cho nên cần nghiên cứu để xem xét lại thì mới khách quan”, ông Phan Trung Lý đề nghị.
Nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm này và cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội là phải coi họ không có tội trước khi bản án của Tòa án có hiệu lực, để tránh việc không chú ý đến tình tiết gỡ tội cho bị can, bị cáo mà chỉ chứng minh phạm tội để buộc tội. Thực tế nhiều khi lỡ bắt rồi nên vẫn cố chứng minh để xử 1 tội cho tương xứng, điều đó khiến người ta bị treo lơ lửng bởi tội danh trong khi thực tế họ không mắc phải. Như vậy là vi phạm quyền con người.
Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. “Nguyên tắc suy đoán vô tội là phải nghĩ đến việc tìm chứng cứ gỡ tội cho người ta. Pháp luật các nước quy định cơ quan điều tra ngoài việc đưa ra chứng cứ buộc tội thì cũng phải đưa ra chứng cứ ngoại phạm cho bị cáo”, ông Đinh Xuân Thảo bày tỏ.
Để đảm bảo chống bức cung, nhục hình, minh bạch trong quá trình hỏi cung, các ý kiến thành viên UBTVQH cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết, để vừa bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Trong điều kiện hiện nay, việc trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra là khả thi. Vì vậy, Dự thảo đã được chỉnh lý, quy định cụ thể vấn đề này./.
Nghe âm thanh: