Đối tượng đọc bài giải vào phòng thi có bị xử lý hình sự?
VOV.VN - Hai vấn đề đặt ra trong vụ thí sinh đưa bài giải môn Sử vào phòng thi là xử lý hành chính hay truy cứu tội làm lộ bí mật nhà nước.
Như tin đã đưa, ngày 4/7, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã phát hiện 2 nghi phạm sử dụng công nghệ cao để trao đổi lời giải môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015.
Theo đó, công an làm rõ, 2 nghi phạm ngồi ngoài quán cà phê chờ bạn trong phòng thi dùng công nghệ cao chuyển đề thi ra ngoài. Sau đó, 2 đối tượng này giải và chuyển vào trong phòng thi.
Cấu thành tội làm lộ bí mật?
Liên quan đến vấn đề này, dư luận đặt câu hỏi, liệu hành vi của các đối tượng liên quan có cấu thành tội Làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 263, Bộ luật hình sự.
Tang vật công an thu giữ |
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng luật sư Nguyễn Anh – Đoàn luật sư Hà Nội, danh mục bí mật Nhà nước trong ngành giáo dục được quy định tại Quyết định số 32/2005/QĐ-TTg ngày 07/02/2005 “Đề thi, đáp áp các kỳ thi tuyển sinh, thi chọn học sinh giỏi, thi tốt nghiệp các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố”.
Như vậy, đề thi tốt nghiệp THPT là danh mục bí mật Nhà nước nhưng phải thỏa mãn điều kiện chưa được công bố, nghĩa là chưa được mở ra và đang được lưu giữ theo quy định bảo mật đến trước khi công bố cho thí sinh làm bài thi.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, đề thi đã được mở ra cho tất cả các thí sinh và những người liên quan trong hội đồng thi thì không còn được coi là bí mật nhà nước
Mặt khác, chủ thể của tội này là phải là người có trách nhiệm biết về bí mật Nhà nước như: Người có thẩm quyền quản lý, người ra đề thi, người trông giữ, vận chuyển đề thi,…
“Do đó, hành vi của các đối tượng trong vụ việc này không có dấu hiệu Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự”, luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.
Sẽ bị xử lý hành chính
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi của thí sinh đang làm bài thi và 2 đối tượng bên ngoài trợ giúp giải đề Sử để đưa vào phòng thi cho thí sinh bằng công nghệ cao có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại Nghị đinh 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 và Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư 09/201/TT-BGD ngày 05/3/2012.
2 nghi phạm đọc bài và đưa vào phòng thi cho thí sinh sẽ bị xử phạt hành vi vi phạm quy định về thi theo Nghị đinh 138/2013/NĐ-CP.
Theo đó, sẽ phạt từ 1 triệu – 2 triệu đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi.
Mức phạt từ 2 triệu – 3 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài.
Đối với thí sinh dự thi và đã sử dụng công nghệ cao để chuyển thông tin đề thi ra ngoài, ông Thơm cho biết, thí sinh này có thể bị xử lý theo Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 09/2012/TT-BGD.
Theo đó, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi nếu mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi vào phòng thi.
Thí sinh này cũng sẽ bị đình chỉ thi vì đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi.
Đối với 2 người làm bài hộ, nếu đang là sinh viên học tại các trường ĐH-CĐ sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật của cơ sở giáo dục nơi đang học theo quy chế của nhà trường. Các hình thức xử lý kỷ luật có thể là khiển trách, tạm đình chỉ học và nặng nhất là buộc thôi học./.