Gỡ vướng trong thu hồi tài sản tham nhũng bằng cách nào?
VOV.VN - Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm tham nhũng, cơ quan thanh tra cần chuyển ngay hồ sơ để cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án
Có đến gần 80% tài sản bị tham nhũng chưa được thu hồi. Đây là thách thức lớn cho nỗ lực phòng chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước. Tài sản tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát, không thu hồi được gây khó cho quá trình xử lý vụ án tham nhũng, làm bản án không được thi hành.
Nghe âm thanh tại đây:
Để thu hồi tài sản tham nhũng, pháp luật cần có cơ chế kiểm soát tài sản trước, trong và sau khi xử lý tội phạm tham nhũng. Lâu nay chúng ta vẫn trông chờ vào biện pháp kê khai tài sản cán bộ, công chức để giám sát, kiểm tra những biến động tài sản của đối tượng này. Nhưng hiệu quả mà biện pháp kê khai tài sản mang lại gần như không có vì tính hình thức trong quá trình thực hiện. Trong số hơn 1.200 người thuộc diện kê khai chỉ có 5 người kê khai không trung thực
Vì thế, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về kê khai tài sản cán bộ, công chức, việc kiểm soát tài sản tham nhũng cần được tiến hành chặt chẽ ngay từ đầu quá trình giải quyết vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, nội dung này còn là khoảng trống trong pháp luật tố tụng hình sự hiện hành. Điều này dẫn đến thực tế, kết luận thu hồi tài sản tham nhũng trong nhiều bản án xét xử tội phạm tham nhũng không thực hiện được.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ luật Tố tụng Hình sự cần có một chương về tịch thu tài sản và quy định về việc yêu cầu người phạm tội giải trình về nguồn gốc tài sản và tịch thu tài sản để kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, các nước đang theo phương án thu hồi trên vật, nghĩa là nếu họ yêu cầu anh giải thích về nguồn gốc hợp pháp tài sản, anh không giải thích được thì số tài sản đó bị thu hồi. Một phương thức khác là thu hồi theo giá trị, theo nguyên tắc đã là tài sản tham nhũng thì phải tịch thu, trả lại. Họ tập trung nhiều vào những thiệt hại và những giá trị mà hành vi tham nhũng đã chiếm đoạt từ đó tiến hành phong tỏa, tịch thu tài sản. Quan niệm như vậy cũng làm việc thu hồi tài sản có tính khả thi hơn.
Một số chuyên gia đề nghị bổ sung quy định các biện pháp cưỡng chế trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự, đặc biệt mở rộng phạm vi tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp kê khai. Việc bổ sung biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là cần thiết để hạn chế việc tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, theo luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì các biện pháp hợp tác quốc tế trong kiểm soát tài sản tham nhũng cần được lưu tâm.
“Chúng tôi cho rằng cần hoàn thiện và thúc đẩy ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước đảm bảo cho quá trình ủy thác điều tra vì phần lớn tham nhũng liên quan đến ODA mà khoản này không có quá trình giám sát dẫn đến điều tra để thu hồi thì rất khó”, luật sư Phan Trung Hoài nêu ý kiến.
Ông Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án TANDTC (Ảnh: Ngọc Thành) |
Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng quy trình xử lý hiện nay vô hình chung làm giảm hiệu quả, kéo dài việc xử lý tội phạm tham nhũng, tạo điều kiện cho người phạm tội “che chắn”, đối phó, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản… gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và nhất là thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Trần Văn Độ đề xuất: “Trong bất kỳ cuộc thanh tra nào, khi có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, cơ quan thanh tra cần chuyển ngay hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để xem xét, xác minh, khởi tố vụ án mà không phải chờ tiếp tục thanh tra, ra kết luận rồi mới chuyển”.
Ngoài ra, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự cũng cần quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân, chuyên gia, nhân chứng của vụ án tham nhũng. Trong không ít các vụ án, những chủ thể này nắm được những thông tin quan trọng về tài sản tham nhũng, hành vi tham nhũng. Thế nhưng theo khảo sát của PAPI thì 90% người được hỏi nói rằng không tố cáo, vì họ không biết tố cáo như thế nào và sợ bị trù úm.
Thu hồi tài sản tham nhũng là mục đích lớn nhất trong chính sách hình sự xử lý tội phạm tham nhũng. Bên cạnh việc hoàn thiện quy định hình sự về các tội danh liên quan đến tội phạm tham nhũng, hệ thống pháp luật tố tụng hình sự cần bổ sung thêm những cơ chế để kiểm soát, quản lý chặt chẽ khối tài sản do tham nhũng mà có nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này./.