Sửa điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang: Đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự
VOV.VN - Theo luật sư, việc sửa điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang đã xác định có sai phạm nên đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội Giả mạo trong công tác.
"Đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự"
Chiều 17/7, tại TP Hà Giang, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Giang chính thức họp báo thông tin về vụ việc điểm thi bất thường ở Hà Giang.
Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT) cho biết, sai phạm trong chấm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia ở Hà Giang là rất nghiêm trọng.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) và lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang tại cuộc họp báo. (Ảnh: Bá Duy). |
Trong cuộc họp báo với báo chí chiều 17/7, qua xác minh ban đầu, đại diện A83 (Bộ Công an) xác định, ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang) là người trực tiếp can thiệp vào kết quả.
Theo kết quả công bố tại buổi họp báo: "Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định".
Sai phạm trong chấm thi THPT ở Hà Giang: Vụ lợi, vị thành tích sinh ra dối trá
Cũng tại buổi họp báo, Đại diện A83, Bộ Công an nhận định, quy trình kiểm tra của thanh tra sở và bộ đều chưa chặt chẽ, để cho ông Lương thực hiện khi các thành viên vẫn đang ngồi đấy. Những thành viên khi tham gia cũng không nắm được quy trình và thao tác nên để cho ông Lương qua mặt về việc này.
Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Sơn (văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, Đoàn luật sư Hà Nội). Theo luật sư Sơn, qua thông tin trên báo chí được biết, việc điểm thi THPT quốc gia vừa qua của thí sinh tại Hà Giang cao bất thường so với mặt bằng chung của cả nước. Qua trình kiểm tra, cơ quan chức năng bước đầu phát hiện người trực tiếp can thiệp khiến cho điểm thi của nhiều thí sinh tăng cao bất thường. Quá đó, xác định ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) là người trực tiếp can thiệp vào kết quả của các bài thi. Như vậy, với hành vi trên đã có đủ căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội Giả mạo trong công tác.
Có thể cách chức, hạ lương với cán bộ vi phạm
Theo luật sư Sơn, hành vi của ông Vũ Trọng Lương theo các thông tin được xác định là có sai phạm, tuy nhiên mức độ sai phạm như thế nào? hình thức xử lý ra sao sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng.
Luật sư Đặng Văn Sơn (văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, Đoàn luật sư Hà Nội). |
Luật sư Sơn đưa ra các dẫn chứng: Với các thông tin như báo chí phản ánh thì hành vi của ông Lương thực hiện sửa điểm các bài thi của các thi sinh có dấu hiệu của tội Giả mạo trong công tác quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015: Theo đó, người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Với số lượng làm giả từ 11 giấy tờ trở lên thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng.
Cũng theo luật sư, trong quá trình điều tra nếu việc sửa điểm không phải do một mình ông Lương thực hiện mà có sự tham gia của những người khác thì những người tham gia sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm với tội danh mà ông Lương bị xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong quá trình thực hiện tổ chức thi thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy chế thi của Bộ.
Liên quan đến việc ông Vũ Văn Sử (Giám đốc sở GD-ĐT Hà Giang) cho rằng: "Chúng tôi có trách nhiệm rất lớn với Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, với Bộ GD-ĐT và lớn hơn là với nhân dân tỉnh Hà Giang và các em học sinh".
Theo luật sư Sơn, về vấn đề này cần đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng để xác định mức thiệt hại cụ thể về vật chất và người thì mới có hướng xử lý.
Nếu không có thiệt hại về người thì có thể áp dụng quy định của cơ quan chủ quản để xử lý vi phạm theo mức độ, tính chất nghiêm trọng của sự việc. Trong trường hợp có thiệt hại lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét xử lý theo hướng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với các thành phần trong Sở GD-ĐT Hà Giang (nếu có vi phạm)./.
Quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm
Theo quy định, quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm sẽ được thực hiện theo 4 pha sau:
Pha 1 quét ảnh: Dùng máy quét ảnh (Scanner) tốc độ cao quét các bài thi theo từng lô đưa vào các thư Mục chứa ảnh.
Pha 2: Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh).
Xử lý ảnh để đọc các thông tin từ ảnh như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, xuất báo cáo Bộ GDĐT về trạng thái ban đầu của bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (Đĩa CD1).
Chú ý: Sau khi xuất đĩa CD1, nội dung đã xuất này sẽ được giữ nguyên, kể cả trong trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD2.
Pha 3: Sửa lỗi của thí sinh: Thực tế thống kê, có Khoảng 1% thí sinh mắc lỗi như không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.
Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào. Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại. Có những lỗi do quét bài như để gấp Phiếu TLTN, sai mặt Phiếu, làm Phiếu bị biến dạng.
Những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra. Phần mềm phải phát hiện tất cả các lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động. Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GDĐT.
Pha 4 chấm bài thi: Sau khi thực hiện xong ba pha trên, Hội đồng thi mới được sử dụng đáp án do Bộ GD&ĐT cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra Đĩa CD2 để báo cáo Bộ GDĐT. Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì Phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4 này.