Tham nhũng ẩn mình dưới vỏ bọc “cố ý làm trái”
VOV.VN -Rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng rất ít đối tượng bị truy cứu, xét xử về hành vi tham nhũng
Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ngoài vụ tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashine, thì những vụ án lớn khác cũng đã và sẽ được đưa ra xét xử trong quý I/2017 như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cho vay nặng lãi xảy ra tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ Ngân hàng công thương Việt Nam chi nhánh TPHCM; Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty in thương mại và dịch vụ Agribank; Vụ án đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng công ty xây dựng đường thủy Việt Nam.
Khó chứng minh được động cơ tư lợi
Nhìn lại các vụ án đã xét xử, cho thấy, nhiều vụ án thất thoát hàng trăm tỷ thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng rất ít đối tượng bị truy cứu, xét xử về hành vi tham nhũng hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản, mà chủ yếu là tội cố ý làm trái, lừa đảo, vi phạm các quy định cho vay, lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Chẳng hạn như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, với số tiền rút ra gần 5.000 tỷ đồng nhưng Huyền Như chỉ bị tuyên hình phạt tù chung thân về các tội cố ý làm trái, lừa đảo, trốn thuế. Việc Huyền Như và các đồng phạm không bị kết tội tham ô thuộc nhóm tội tham nhũng với hình phạt cao nhất là tử hình đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Vụ án Phạm Công Danh, với số tiền rút ra hơn 18.000 tỷ đồng, Phạm Công Danh đã mua cổ phần, trả nợ cá nhân, trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi tiêu hàng ngàn tỷ đồng khác không có địa chỉ. Rất nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vì Danh đã biến tiền ngân hàng thành tài sản của mình; Hành vi của Danh là vụ lợi nhưng chúng ta lại không thể xử về tội tham ô.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thừa nhận thực tế có nhiều vụ án có dấu hiệu phạm tội tham nhũng, nhưng theo quy định của pháp luật hiện nay, rất khó chứng minh được phạm tội vì động cơ tư lợi. Trưởng Ban Nội chính cho rằng rất khó để chứng minh, tách bạch rõ ràng hành vi tham nhũng với hành vi vi phạm các quy định về quản lý kinh tế. Phải phát hiện và chứng minh được có động cơ vụ lợi, tức là tội phạm tham nhũng ẩn trong tội phạm kinh tế. Hai hình phạt với 2 loại tội phạm này khác nhau, thời gian qua, mặc dù các mức án được đưa ra rất nghiêm khắc, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.
Phải coi tội “cố ý làm trái” cũng là tham nhũng
Tham nhũng theo định nghĩa của Bộ luật Hình sự Việt Nam là lợi dụng quyền hạn được trao để chiếm đoạt tài sản vì mục đích vụ lợi. Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng, việc ít xử được tội tham nhũng với mức án cao cũng xuất phát từ quy định của pháp luật thiếu chặt chẽ. Trong nhiều vụ án thất thoát hàng nghìn tỷ gần đây, nhiều đối tượng chỉ bị khép vào tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và nhận mức án từ vài chục năm đến chung thân; trong khi nếu tham nhũng thì sẽ bị tuyên tử hình như Trần Văn Liêm - nguyên Tổng Giám đốc; Giang Kim Đạt - nguyên Trưởng phòng kinh doanh trong vụ án tham ô tại Vinashinline.
Nếu nộp lại tài sản tham nhũng, Giang Kim Đạt có thoát án tử?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư, việc sửa luật là cần thiết, nhưng không nên hiểu một cách quá máy móc về quy định pháp luật. Hãy mạnh dạn áp dụng xử lý các quan chức về tội tham nhũng khi họ có khối tài sản kếch sù từ các hành vi vi phạm pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần thực hiện điều tra bí mật tài sản của những đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, buộc họ chứng minh số tài sản đó là của họ. Khi đã buộc họ chứng minh được thì chúng ta sẽ truy cứu tiếp về nguồn gốc, từ nguồn gốc họ khai báo sẽ tìm ra được cội nguồn có thể bắt đầu từ tham nhũng. Hơn nữa nên cho phép cơ quan báo chí, công luận phát hiện tài sản bất minh, tài sản ẩn của quan chức để từ đó thực hiện điều tra chính thức và truy cứu trách nhiệm.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: cần có các biện pháp, chế tài đủ mạnh, đối với những hành vi vi phạm bao gồm cả việc kê khai không trung thực tài sản, thu nhập hay không giải trình được một cách hợp lý phần tài sản thu nhập tăng thêm. Các biện pháp đó có thể là kỷ luật, cách chức người có hành vi vi phạm, phong tỏa tài sản, kiểm soát tích thu tài sản. Cùng với đó sớm hoàn thiện việc sửa đổi luật phòng chống tham nhũng và luật hình sự theo hướng phân biệt thật rõ giữa tội danh tham nhũng, chiếm đoạt với tội về kinh tế đơn thuần./.
Làm sao để thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài
Làm gì để ngăn tẩu tán tài sản của “quan” tham nhũng?