Vụ án thiếu phụ làm sứt bàn và nỗi buồn cải cách tư pháp
VOV.VN -Diễn biến phiên tòa phúc thẩm vụ án “thiếu phụ làm sứt bàn nhận án tù” ở Hà Nam mang dư vị buồn khi đi ngược nỗ lực cải cách tư pháp của Trung ương.
Hôm 25/8, Tòa án tỉnh Hà Nam đưa vụ án “thiếu phụ làm sứt mặt bàn, lĩnh 12 tháng tù” ra xét xử phúc thẩm. “Vụ án nhỏ, dư luận lớn” vẫn chưa có hồi kết khi tòa buộc phải tạm dừng.
Dù phiên tòa chưa kết thúc nhưng nó đã mang lại dư vị buồn, khi cái “buột miệng” của ông Nguyễn Trung Dũng - Trưởng phòng tài chính kế hoạch TP.Phủ Lý - Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản, cho thấy đâu đó trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của vụ án này đang đi ngược lại nỗ lực cải cách tư pháp của Trung ương.
Bị cáo Lê Thị Trang tại phiên tòa phúc thẩm |
Lê Thị Trang bị buộc tội Cố ý làm hư hỏng tài sản vì sau khi xảy ra xô xát với chủ quán karaoke Thanh Hà (địa chỉ tại TP.Phủ Lý, Hà Nam), bị cáo đã 2 lần đập cốc làm sứt mặt bàn đá.
Trang đền 6 triệu đồng, rút đơn đề nghị xem xét hành vi Cố ý gây thương tích của những người ở quán hát, nhưng lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cố ý làm hư hỏng tài sản. Tòa án Nhân dân TP.Phủ Lý (cấp tòa sơ thẩm) tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù giam.
Cơ sở buộc tội từ kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản. Giá chiếc bàn được xác định là 2,8 triệu đồng.
Theo quy định, Hội đồng định giá tài sản được thành lập theo yêu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động của hội đồng định giá là độc lập.
Thành phần của hội đồng định giá không có sự tham gia của cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án). Có như thế kết quả định giá mới thật sự khách quan để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, khi ông Nguyễn Trung Dũng trình bày đã nhỡ miệng cho biết, kết quả định giá chiếc bàn 2,8 triệu đồng không phải của Hội đồng định giá độc lập mà là của cơ quan điều tra.
Phiên tòa phúc thẩm tạm dừng và sẽ tiếp tục xét xử vào ngày 29/8 tới. |
Liên quan đến giám định, ông luật sư tham gia tranh tụng đã chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng đến mức khiến ông chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Mạnh Hùng cũng phải thốt lên, tại sao những vấn đề này giờ luật sư mới đưa ra.
Việc bỗng nhiên định giá của cơ quan điều tra “lọt” vào hồ sơ của hội đồng định giá độc lập rồi được dùng làm cơ sở kết luận giá trị chiếc bàn để cáo buộc tội danh đối với bị cáo Lê Thị Trang phần nào lý giải nguyên nhân vì sao đến tận hôm mở tòa sơ thẩm trước đó, ông Dũng mới mang lên nộp hồ sơ định giá cho thẩm phán – chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Trần Văn Cảnh.
Điều này cũng lý giải phần nào, tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư tham gia bào chữa không được chụp hồ sơ định giá, phải đến phiên tòa phúc thẩm, mới được tiếp cận.
Đặc biệt, cái “nhỡ miệng” của ông Chủ tịch Hội đồng định giá đã chứng minh phần nào đó những ngờ vực của dư luận về sự bất thường của vụ án là có căn cứ.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu lên mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong quá trình tố tụng của vụ án “thiếu phụ đập vỡ mặt bàn” đang đi ngược lại với tiến trình cải cách tư pháp, khi quá trình định giá giá trị chiếc bàn hết sức quan trọng để xác định hành vi phạm tội của Lê Thị Trang lại không độc lập như quy định của pháp luật.
Văn bản đó không có chữ ký của hội đồng định giá vẫn được chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xem đó là cơ sở kết tội Lê Thị Trang.
Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng rất lớn. Bản thân cơ quan tố tụng cũng được Nhà nước giao cho những quyền năng để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trong cuộc đấu tranh đó, người tiến hành tố tụng phải dùng tâm sáng để bảo vệ công lý, xây dựng một nền tư pháp trong sạch. Việc sử dụng chức năng nhiệm vụ của mình kiểu bất chấp tất cả vì lợi ích cá nhân, vì thành tích sẽ chỉ làm dư luận hoài nghi về chiến lược cải cách tư pháp đang được các cấp triển khai hiện nay./.