Vụ tham nhũng ở Vinalines: Hàng loạt bị cáo kháng cáo
VOV.VN -Trong đơn của mình nguyên Tổng Giám đốc Vinalines biện bạch rằng, mình không hề biết về khoản tiền 1,67 triệu USD.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng tại Vinalines ngày 12-16/12, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Mai Văn Phúc – nguyên Tổng Giám đốc Vinalines tử hình hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngay sau phiên tòa, bị cáo Mai Văn Phúc đã làm đơn kháng cáo gửi TAND Tối cao.
Theo đơn kháng cáo của Mai Văn Phúc, về tội “Cố ý làm trái…”, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện cơ quan công tố đưa ra 4 căn cứ buộc tội Mai Văn Phúc gồm: Làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam khi địa điểm xây dựng nhà máy chưa được bổ sung vào quy định tổng thể phát triển ngành; Chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ không đúng với thực tế kết quả khảo sát để mua ụ nổi 83M và phải mua qua Công ty AP, không mua trực tiếp từ Công ty Nakhodka; Thanh toán tiền cho đối tác khi không đủ hồ sơ chứng từ; Vi phạm quy định về đầu thầu dự án mua ụ nổi 83M.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm |
Bị cáo Phúc cho rằng, việc làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng dự án nhà máy, chưa được cập nhật bổ sung vào quy hoạch tổng thể đã diễn ra từ tháng 2/2006, khi Mai Văn Phúc chưa về nhận chức Tổng Giám đốc Vinalines. “Tôi không chỉ đạo việc hợp thức hóa hồ sơ, không thanh toán sai, không chỉ đạo việc tổ chức chào thầu, hoàn toàn theo trình tự báo cáo từ dưới”, bị cáo Mai Văn Phúc viết.
Đối với tội Tham ô tài sản, cơ quan công tố đã đưa ra hai căn cứ để buộc tội Mai Văn Phúc gồm: Đã gặp ông Goh- Giám đốc Công ty AP một lần; Theo lời khai của Trần Hải Sơn là đã đưa cho Phúc 10 tỷ đồng từ tiền chia trong khoản “lại quả” 1,67 triệu USD từ mua ụ nổi 83M.
Theo bị cáo Mai Văn Phúc, hai căn cứ này được bị cáo trình bày tại tòa là không đúng, không có thật mà chỉ là sự man trá của Trần Hải Sơn.
Mai Văn Phúc cũng cho rằng, khoản “ăn chia” 1,67 triệu USD có từ trước khi bị cáo về giữ chức Tổng Giám đốc Vinalines. Và Mai Văn Phúc không biết, không liên quan gì đến khoản tiền này.
Từ lập luận trên, bị cáo Mai Văn Phúc gửi đơn kêu oan đến phiên tòa cấp phúc thẩm.
Bản kháng cáo 18 trang của Trần Hữu Chiều
Trong hàng loạt đơn kháng cáo của các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Vinalines, đáng chú ý có đơn của bị cáo Trần Hữu Chiều - nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines.
Bị cáo Chiều bị tuyên phạt 19 năm tù cho hai tội danh: “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”. Lá đơn kháng cáo dài 18 trang của Trần Hữu Chiều nên lên những lý lẽ gỡ tội của mình.
Về tội danh “Cố ý làm trái…”, bị cáo Trần Hữu Chiều cho rằng, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù là oan ức vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo luôn cố gắng hết sức mình. Nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan dẫn đến dự án bị đình trệ, đến nay không thực hiện tiếp được, gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng.
Trong quá trình giám định, đàm phán về ụ nổi, bị cáo đã chỉ đạo Trần Hải Sơn không được gửi giá để chiếm hưởng cá nhân. Nếu có hoa hồng thì yêu cầu người bán ụ nổi phải tính ngay trên hóa đơn.
“Kể cả khi Vinalines ủy quyền cho Sơn theo dõi quá trình sửa chữa ụ nổi tại Việt Nam, bị cáo vẫn nhắc nhở Sơn không được lập khống, gửi giá để chiếm hưởng lợi cho cá nhân, nhưng Sơn không thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo”, bị cáo Chiều viết.
Theo lời khai của Sơn tại tòa, trước khi ký hợp đồng mua bán ụ nổi, Sơn đã được ông Goh thông báo việc chuẩn bị nhận gần 1,67 triệu USD do Công ty AP chuyển theo thỏa thuận trước khi đàm phán ký hợp đồng. “Nếu thông tin này Sơn cho bị cáo biết thì chắc chắn rằng không có sự việc “tham ô” xảy ra sau này”, bị cáo Chiều biện bạch.
Việc Trần Hải Sơn đưa cho 340 triệu đồng từ tiền lại quả trong phi vụ mua ụ nổi 83M, bị cáo Chiều biện minh rằng, Sơn nhân cơ hội bị cáo hỏi vay 1 tỷ đồng để đưa cho bị cáo 340 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Sơn cũng khai, dù Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không chỉ đạo việc đưa tiền cho Trần Hữu Chiều nhưng do Chiều là người tốt, có nhiều giúp đỡ cho việc hoàn thành dự án nên Sơn vẫn đưa 340 triệu đồng. “Sơn cũng nói rằng, tiền đưa cho bị cáo là tiền của cá nhân Sơn. Do vậy việc tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo tội tham ô là quá oan ức”, bị cáo Chiều than.
Đối với phần dân sự, bị cáo Chiều cũng cho rằng, số tiền phải bồi thường 39 tỷ đồng, đối với bị cáo là quá lớn và không thể thực hiện được.
Thông tin từ TAND TP Hà Nội, hiện cơ quan này mới nhận được đơn của 8 bị cáo trong vụ án tham nhũng tại Vinalines./.