Ấn - Mỹ - Nhật tập trận hải quân quy mô lớn
Hải quân Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản ngày 10/7 khởi động tập trận lớn trong bối cảnh tình hình an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nhiều biến động.
Cuộc tập trận mang tên Malabar đã được tổ chức thường niên từ năm 1992 nhưng năm nay là lần đầu tiên cả ba nước triển khai những tàu chiến chủ lực của mình tham gia.
Tàu hải quân Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản tham gia tập trận Malabar. (Ảnh: US Navy) |
Theo AFP, đại diện hải quân Ấn Độ là tàu sân bay INS Vikramaditya, Mỹ điều hàng không mẫu hạm USS Nimitz, còn Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản triển khai tàu khu trục trực thăng JS Izumo, tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Thế chiến 2. Đó là lý do Bộ Quốc phòng Ấn Độ gọi sự kiện lần này là “phiên bản thế kỷ 21” của tập trận chung Malabar. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của hơn 95 máy bay các loại, 16 tàu chiến và 2 tàu ngầm.
Tờ The Times of India dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay Malabar 2017 sẽ bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn tập huấn ở cảng diễn ra tại Chennai từ ngày 10 – 13/7, kế đến là phối hợp tác chiến đa dạng trên biển từ ngày 14 – 17/7. Mục tiêu cốt lõi của Malabar lần này là nâng cao khả năng phối hợp của các tàu sân bay, phòng không, hải chiến và đặc biệt là chiến tranh tàu ngầm.
Trong vòng vài ngày tới, các bên sẽ diễn tập kỹ thuật phát hiện, bám đuôi và tiêu diệt 2 mục tiêu được giả định là tàu ngầm của đối phương.
“Các chiến thuật trên mặt biển, khai hỏa tên lửa và những chiến dịch bằng máy bay không khiến chúng tôi ngạc nhiên vì chúng có những tham số cố định. Điều duy nhất có thể đánh lừa bạn chính là hoạt động trong lòng biển”, một sĩ quan Ấn Độ nhận định với Đài India Today.
Ông cho biết thêm nước biển ấm và mặn của Ấn Độ Dương gây ảnh hưởng năng lực của các hệ thống sonar, một trong những công cụ chủ yếu phát hiện tàu ngầm.
Phó đô đốc HCS Bisht, chỉ huy Bộ Tư lệnh hải quân miền đông Ấn Độ, nhấn mạnh cuộc tập trận chung là thông điệp cho thấy nỗ lực phối hợp của Ấn - Mỹ - Nhật đối phó các thách thức an ninh biển trong khu vực. Phó đô đốc William D Byrne, Tư lệnh Nhóm tấn công tác chiến tàu sân bay 11, cho hay Malabar 2017 đánh dấu nỗ lực hoàn thiện sự hợp tác nhằm loại bỏ mọi nguy cơ tính toán sai lầm có thể làm bùng bổ xung đột trên biển.
Mới đây, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố nước này “hy vọng cuộc tập trận Malabar sẽ không nhằm vào quốc gia cụ thể nào khác”. Năm ngoái, Nhật cáo buộc Trung Quốc điều tàu do thám theo dõi tập trận Malabar, khi đó được tổ chức tại tây Thái Bình Dương./. Mỹ, Hàn Quốc lập tức tập trận đáp trả vụ Triều Tiên phóng tên lửa