Chuyên gia nghi ngờ tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ
Trong 10 năm qua, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã nhận được hàng tỷ USD để bảo vệ đất nước, nhưng hiệu quả của hệ thống này vẫn bị hoài nghi.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ khẳng định, bằng cách đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất trong thập niên qua, Mỹ hiện nay có phương tiện chống lại các tên lửa đạn đạo tầm xa.
Tuy nhiên, theo một báo cáo công bố gần đây của chính phủ Mỹ, cơ quan này đã thất bại trong việc chứng minh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa có thể bảo vệ đất nước.
Một khẩu đội tên lửa phòng không của Mỹ. (Ảnh: AP) |
Giáo sư danh dự trường Đại học Kỹ thuật Massachusetts Theodore Postol cho rằng, các quan chức Mỹ tiếp tục nhấn mạnh vào việc sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa, mặc dù thiếu sót của nó là điều hiển nhiên.
“Bất kỳ chuyên gia nào về vật lý đại cương cũng sẽ nói với bạn rằng hệ thống này không chỉ không hoạt động, mà sẽ không bao giờ hoạt động. Hệ thống dựa trên nỗ lực phân biệt giữa đầu đạn hạt nhân thực sự của tên lửa đạn đạo với mồi nhử. Và đây là lỗ hổng chính của hệ thống, nói lên sự bất lực tuyệt đối của các lãnh đạo chính trị Mỹ trong việc đưa ra quyết định hợp lý, không chỉ cho nền an ninh của Mỹ, mà đối với sự ổn định toàn cầu”, ông Postol nhận định.
Ông Postol nói thêm: “Những nỗ lực bất chấp tất cả để quyết định sử dụng hệ thống này dẫn đến cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Nga và đang đe dọa mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc. Tôi bị nhận nhiều chỉ trích kể cả bị cho là không yêu nước vì tôi dám nghi ngờ tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa”./.