Mỹ xem xét lại chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân
VOV.VN – Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét lại chính sách của Mỹ đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ leo thang.
“Một giấc mơ không nước nào có vũ khí hạt nhân sẽ thật tuyệt vời. Nhưng nếu các nước tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân thì nước Mỹ vẫn phải dẫn đầu trong nhóm đó”, Tổng thống Donald Trump khẳng định với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 17/4 tuyên bố Bộ Quốc phòng đã bắt đầu xem xét bố trí hạt nhân, một tiến trình mà Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ông Mattis phải thực hiện trong bản ghi nhớ của Tổng thống khi đến thăm Lầu Năm Góc hồi tháng 1.
Nhóm phụ trách báo cáo dưới thời ông Trump sẽ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Paul Selva, dẫn đầu. Quyền Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay vẫn là Robert Work dù ông Trump đang đề cử lãnh đạo tập đoàn Boeing Patrick Shanahan thay thế ông. Báo cáo cuối cùng sẽ được trình lên Tổng thống Trump “cuối năm nay”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White cho biết.
Việc xem xét lại chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ được Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc) tiến hành định kỳ 8 năm 1 lần, từ đó sẽ đưa ra các chính sách, chiến lược và bố trí lực lượng liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ đã tiến hành 3 lần xem xét lại chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Lần gần nhất là vào năm 2010, dưới thời Tổng thống Barack Obama.
“Nếu nhìn lại không chỉ đợt xem xét bố trí hạt nhân năm 2010 mà là 20 năm trước, mọi người sẽ thấy sự giảm nhẹ cơ bản của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia”, Tướng John Hyten, chỉ huy Trung tâm Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát lực lượng hạt nhân của Mỹ, nhận định.
“Đối thủ có quan điểm hoàn toàn trái ngược với sự giảm nhẹ của chúng ta và lại tăng cường năng lực hạt nhân một lân nữa”, ông cho biết và dẫn chứng những nỗ lực gần đây của Nga cũng như Trung Quốc nhằm hiện đại hóa và nâng cấp lực lượng hạt nhân của mỗi nước.
Báo cáo xem xét chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân năm 2010 của Mỹ liệt kê khủng bố và phổ biến hạt nhân là những mối đe dọa chính, đồng thời khẳng định “Nga và Mỹ không còn là kẻ địch của nhau nữa”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ leo thang trong những năm gần đây kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga, báo cáo năm nay được cho là sẽ có giọng điệu khác biệt đáng kể.
Nhận định về báo cáo lần này, Tướng Hyten nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng nó có thể xem xét những tham vọng từ phía Nga.
“Chúng tôi sẽ xem xem Nga có đang làm gì có thể vi phạm hiệp ước (Tên lửa tầm trung - INF) hay không và sau đó chúng tôi sẽ xem xét các phương án quân sự để đáp trả những gì chúng tôi cho là mối đe dọa”, Tướng Hyten cho biết, đồng thời nhắc lại cáo buộc của Mỹ rằng Nga đã triển khai tên lửa hành trình trên đất liền có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong năm nay.
Báo cáo năm 2010 đã đặt ra giới hạn về việc khi nào Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, trong đó nêu rõ “nước Mỹ sẽ không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một nước không có vũ khí hạt nhân đang là một bên của Hiệp ước (Không phổ biến vũ khí hạt nhân). Báo cáo này cũng cho biết Mỹ sẽ không đáp trả lại các vụ tấn công bằng vũ khí sinh học và hóa học bằng vũ khí hạt nhân./.