Trung Quốc sắp đưa vào vận hành “Mặt trời nhân tạo” thế hệ mới
VOV.VN - “Mặt trời nhân tạo” này là lò phản ứng được thiết kế để mô phỏng lại quá trình phản ứng nhiệt hạch trong lõi của các ngôi sao và tạo ra năng lượng.
Theo thông tin tại Hội nghị đầu tiên về năng lượng nhiệt hạch tổ chức tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), nước này dự kiến sẽ chính thức đưa vào vận hành một thiết bị liên quan đến nghiên cứu nhiệt hạch có kiểm soát thế hệ mới, hay còn gọi là "Mặt trời nhân tạo" vào năm 2020.
(Hình ảnh minh họa của CNNC) |
Thiết bị này có tên gọi là HL-2M, là một dạng thiết bị từ trường hình xuyến Tokamak, tức lò phản ứng được thiết kế để mô phỏng lại quá trình phản ứng nhiệt hạch trong lõi của các ngôi sao và tạo ra năng lượng.
Thiết bị do Tập đoàn công nghiệp hạt nhân Trung Quốc (CNNC) chế tạo, hiện được đặt tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc.
Với kết cấu và phương thức kiểm soát hiện đại hơn các thiết bị tương tự, "mặt trời nhân tạo" thế hệ mới này của Trung Quốc có mức nhiệt có thể lên tới hơn 200 triệu độ C, cao gấp nhiều lần so với 15 triệu độ C của lõi mặt trời thật.
Cuối năm 2018, Trung Quốc cũng từng tuyên bố chế tạo thành công lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến EAST (Experimental Advanced Superconducting Tokamak), một loại “mặt trời nhân tạo” có nhiệt độ đạt mức 100 triệu độ C.
Trung Quốc hy vọng với thiết bị này sẽ có thể tham gia hiệu quả hơn vào các thí nghiệm và sự vận hành của Dự án lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER), cũng như giúp nước này có thể tự thiết kế và xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch của riêng mình trong tương lai.
Khi ngày càng nhiều những thử nghiệm phản ứng nhiệt hạch thành công, người ta có thể kì vọng vào một thế giới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện dân dụng./.