Israel bắn phá Gaza: chiến thuật, vũ khí và hậu quả
VOV.VN - Một cuộc chiến tranh bất đối xứng vừa diễn ra giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) - một trong những quân đội có công nghệ tiên tiến nhất trên hành tinh, và Hamas - nhóm chiến binh Palestine cai quản Dải Gaza, bị cô lập và nghèo nàn với dân số 2 triệu người, đã để lại hậu quả không hề nhỏ.
Chiến thuật chính
Các lực lượng mặt đất và không quân của IDF được cho là đã tiến hành tổng cộng 1.500 cuộc không kích trong cuộc chiến kéo dài 11 ngày, khiến 1.900 người Palestine bị thương và ít nhất 24 người thiệt mạng. IDF tuyên bố đã giết chết ít nhất 225 chiến binh Hồi giáo Jihad Hamas và Palestine cùng 25 thủ lĩnh của họ. Chiến lược gia Israel coi cuộc chiến là cơ hội để “làm cỏ” bằng cách phá hủy các công trình do Hamas gây dựng kể từ cuộc chiến cuối cùng với Israel năm 2014.
Cơ quan y tế Gaza cho biết có 35 phụ nữ và 66 trẻ em trong số những người thiệt mạng, trong đó có 11 trẻ em từ 5-15 tuổi đã đăng ký tham gia chương trình cứu trợ chấn thương của Hội đồng Tị nạn Na Uy. Nhiều trẻ em thiệt mạng một phần là hậu quả của việc IDF đánh bom nhà của các lãnh đạo Hamas. Thương vong nặng nề cũng là do một cuộc tấn công nhắm vào một “cấu trúc quân sự ngầm” trên đường phố al-Wahda, giết chết hơn 40 thường dân.
Các cuộc tấn công nhắm vào các tòa nhà cao tầng lớn có các cơ sở của Hamas cũng như các khu dân cư và doanh nghiệp nổi tiếng bao gồm cả tòa nhà al-Jalaa - nơi đặt các văn phòng báo chí của AP và Al Jazeera. Trong những trường hợp này, cư dân được thông báo về cuộc tấn công từ 10 phút đến một giờ trước khi tòa nhà bị phá hủy - một phương pháp đã được sử dụng trong cuộc chiến Israel-Gaza năm 2008. Đôi khi, một tên lửa phóng từ máy bay không người lái được kích nổ bên trên tòa nhà để buộc cư dân phải sơ tán.
Các cuộc tấn công được lên kế hoạch trước nhằm vào các công trình quân sự và kinh tế của Hamas, các kho tên lửa, tàu thuyền và lối vào đường hầm được tình báo Israel xác định trước chiến tranh. Các vụ giết người có chủ đích nhằm vào các thủ lĩnh Hamas, thường là khi ở tại nhà của họ. Các cuộc phản công trả đũa nỗ lực tiêu diệt các bệ phóng tên lửa di động, súng cối, máy bay không người lái và các đội tên lửa chống tăng của Hamas.
Đó là những mục tiêu được phát hiện bởi các thiết bị giám sát, hoặc trong khi triển khai để khai hỏa, hoặc thường xuyên hơn do sử dụng lớp che phủ nhưng sau khi khai hỏa, đã để lộ vị trí. IDF được cho là đã cho sử dụng các công nghệ điều khiển và chỉ huy mới để có được nhanh thông tin từ các cảm biến (máy bay không người lái giám sát, radar, hệ thống trinh sát trên mặt đất, v.v.) đến các máy bay trên không nhằm tăng tốc độ phản công.
Các cuộc tấn công nhằm làm sập các đoạn của mạng lưới đường hầm Metro của Hamas, vốn dùng cho việc di chuyển người và vũ khí được che giấu tại Gaza, sự xâm nhập của các chiến binh Hamas vào lãnh thổ Israel và buôn lậu vũ khí từ Ai Cập đến Gaza. Đầu cuộc chiến, IDF đã gây nghi binh về một cuộc xâm lược trên mặt đất sắp xảy ra như một âm mưu buộc các chiến binh Hamas phải huy động quân, để lộ các đường hầm mà sau đó là mục tiêu tấn công.
Các loại vũ khí chính
Kẻ giết người chính trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas tháng 5/2021 là Không quân Israel - lực lượng đã thực hiện 140 phi vụ chỉ trong một lần hoạt động vào thời kỳ đỉnh cao. Trụ cột của cuộc oanh tạc là các máy bay chiến đấu phản lực tầm ngắn F-16 do Mỹ chế tạo (các biến thể F-16C một chỗ ngồi, F-16I Soufa hai chỗ ngồi) được trang bị thùng nhiên liệu bổ sung, tích hợp vũ khí và hệ thống điện tử hàng không do Israel chế tạo.
Các chiến đấu cơ tàng hình F-35I Adir được thiết kế riêng cho Israel cũng hoạt động. Mặc dù khả năng tàng hình của F-35 là vô nghĩa trước Hamas, các cảm biến tiên tiến của chúng có thể đã được tận dụng và tham gia xác định mục tiêu. Cả F-16 và F-35 đều có thể ném bom và bắn tên lửa dẫn đường chính xác với khả năng bay ở độ cao vượt xa tầm với của một số ít tên lửa phòng không di động mà Hamas sở hữu.
Trong số các vũ khí được sử dụng là bom đường kính nhỏ GBU-39 nặng 285 pound. Những quả bom lượn nhỏ này có thể nằm gọn trong khoang chứa vũ khí của F-35, được thiết kế để tấn công chính xác theo tọa độ GPS và có khả năng xuyên thủng 1 mét bê tông. Tuy nhiên, hầu hết vũ khí được thả là bom trọng lực (Mark 82, 83 và 84) được trang bị bộ dẫn đường JDAM (GBU-38, GBU-32 và GBU-31 tương ứng) cho phép bom có khả năng đạt được tọa độ do GPS chỉ định.
IDF đã sử dụng GBU-31 (V) 4/B hạng nặng (2.000 pound) đối với các tòa nhà cao tầng ở Gaza. Các bức ảnh do truyền thông Palestine công bố cho thấy các loại bom, đạn khác mà IDF sử dụng bao gồm bom GBU-54 “JDAM dẫn đường bằng laser” nặng 500 pound tấn công các mục tiêu đang di chuyển. Trong cuộc giao tranh, chính quyền Biden đã cho phép bán những quả Mark 84 (nặng 2.000 pound), bộ dụng cụ GBU-31 JDAM và bom GBU-39 (735 triệu USD bổ sung kho vũ khí của IDF.
Máy bay không người lái Hermes 450 và 900 của IDF cũng tham gia cuộc chiến mặc dù chính phủ Israel vẫn không chính thức thừa nhận. Hermes không thể mang bom hạng nặng như máy bay chiến đấu phản lực IDF, tuy nhiên, có thể lảng vảng trong nhiều giờ để tìm kiếm các mục tiêu như các đội phóng tên lửa của Hamas và tấn công bằng các tên lửa cỡ nhỏ hoặc giúp các cuộc tấn công bằng các phương tiện khác.
Một tên lửa khác được IDF sử dụng là tên lửa chống tăng Spike hoặc Tammuz NLOS, với một số mẫu có tầm bắn đáng kinh ngạc - 16 dặm, được trang bị nguồn cấp dữ liệu video tích hợp và có thể được điều khiển như một máy bay không người lái, cho phép người điều khiển tìm kiếm mục tiêu và chuyển hướng tên lửa theo quyết định của họ. Các đơn vị mặt đất của IDF đã sử dụng Spike để tấn công các mục tiêu điểm. Hải quân IDF cũng đã sử dụng Spike chống lại các thiết bị hải quân của Hamas.
Lực lượng mặt đất của Israel đã bắn hơn 500 quả đạn vào Gaza bằng cả hỏa lực trực tiếp và gián tiếp, chủ yếu từ pháo bọc thép tự hành M109A5 155 mm do Mỹ sản xuất. Xe tăng Merkava IV bản địa của Israel cũng bắn ít nhất 50 quả đạn pháo 120 mm vào các mục tiêu ở Gaza.
Hậu quả chính
Các tài sản của Hamas bị hư hại hoặc bị phá hủy do cuộc oanh tạc của IDF bao gồm: hầu hết các tàu thuyền và sinh lực của lực lượng biệt kích Hải quân Hamas; 10 tòa nhà “chính phủ” của Hamas, bao gồm cả Bộ Nội vụ; 11 tòa nhà “quân sự”, bao gồm 1 nhà ở chi nhánh không gian mạng của Hamas; 5 ngân hàng bị cáo buộc có liên hệ với Hamas; gần 30 chỉ huy cấp cao và một chuyên gia kỹ sư tên lửa bị thiệt mạng; các ngôi nhà gia đình của ít nhất 15 nhà lãnh đạo Hamas; hơn 60 dặm hoặc khoảng 20-25% của hệ thống đường hầm “Metro” ước tính 250-310 dặm của Hamas, một hệ thống đường hầm ngầm, bao gồm 15 “đường hầm tấn công” xuyên biên giới, bị đánh sập.
Các mục tiêu chiến thuật bị phá hủy bởi các cuộc không kích của IDF bao gồm: ít nhất 7 đội tên lửa chống tăng; 2 đội phóng máy bay không người lái trên không và 1 đội phóng máy bay không người lái từ tàu ngầm; 340 bệ phóng tên lửa, trong đó có 79 hệ thống phóng tên lửa đa năng. Theo báo cáo, con số này chỉ chiếm 40% số bệ phóng được IDF phát hiện. Đáng chú ý, tổn thất trước các cuộc tấn công của IDF không làm giảm số lượng rocket hàng ngày do Hamas bắn ra trong suốt cuộc chiến.
Cuộc pháo kích của IDF đã có những hậu quả lớn hơn: 53 trường học bị hư hại; 11 trung tâm y tế và 6 bệnh viện bị hư hại, bao gồm cả trung tâm tiêm chủng và xét nghiệm Covid duy nhất của Gaza, và 1 trụ sở của Red Crescent; thủ lĩnh của chiến dịch Gaza”s Covid-19 đã bị giết cùng với hàng chục thường dân trong tòa nhà chung cư của mình; hiệu sách lớn nhất của Gaza bị phá hủy; một nhà máy khử muối (chuyển nước mặn thành nước uống được) bị vô hiệu hóa; cơ sở hạ tầng của Gaza bao gồm đường ống dẫn nước thải và 50% mạng lưới đường ống dẫn nước đã bị phá vỡ.
Các cuộc tấn công được cho đã làm phương hại 17.000 đơn vị dân cư và thương mại và phá hủy 1.000 đơn vị dân cư, bao gồm 5 tháp dân cư, khiến ít nhất 72.000 người Palestine mất nhà cửa. Khi các cuộc xung đột kết thúc, các quan chức Palestine tuyên bố rằng 800.000 người dân Gazans không được tiếp cận với nước uống sạch và chỉ có điện 5 giờ mỗi ngày, so với 12 giờ có điện trước đó./.