Nhật sẽ tham gia liên minh tên lửa SeaSparrow của NATO
VOV.VN - Nhật Bản đang bày tỏ mong muốn tham gia liên minh phát triển tên lửa SeaSparrow của NATO một động thái được Mỹ hết sức khuyến khích.
Tăng cường hợp tác an ninh đa phương
Liên minh 12 quốc gia của NATO chịu trách nhiệm giám sát và chia sẻ chi phí chung cho việc phát triển tên lửa SeaSparrow, một loại tên lửa đối hạm và đối không tiên tiến do 2 tập đoàn Raytheon và General Dynamics chế tạo.
Hai quan chức Nhật Bản cho biết, việc đàm phán để gia nhập liên minh này mới chỉ ở bước đầu.
Tên lửa SeaSparrow được phóng từ một tàu hải quân (Ảnh AP) |
Liên minh phát triển tên lửa của NATO được thiết lập vào năm 1968 bao gồm 4 quốc gia trong đó có Mỹ và việc có thêm Nhật Bản tham gia sẽ giúp giảm mức đóng góp của các nước cho dự án này.
Hơn thế nữa, Mỹ coi việc tham gia của Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy việc thành lập các đối tác đa phương trong ngành công nghiệp quốc phòng tại châu Á trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang tiến hành hiện đại hóa quân đội và gia tăng những động thái làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Những liên minh như thế này, dù còn rất hiếm tại châu Á, có thể tạo ra một mạng lưới an ninh chung mạnh hơn rất nhiều so với liên minh quân sự kiểu truyền thống vốn chỉ có Mỹ và các đồng minh thân cận của mình.
“Chúng tôi tin rằng, dự án này sẽ cho phép Nhật Bản đặt nền tảng cho việc thúc đẩy chương trình xuất khẩu vũ khí trong tương lai”, một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi luôn hoan nghênh hoạt động hợp tác về an ninh của Nhật Bản trong khu vực”.
Người phát ngôn Hải quân Nhật Bản cho biết: “Hải quân Mỹ đang thông báo với chúng tôi về tiến triển của dự án SeaSparrow với mục tiêu giảm tối đa chi phí mua các tên lửa đối không lắp đặt trên các tàu của chúng tôi. Chúng tôi đang thu thập thông tin để đưa ra những lựa chọn cần thiết”.
Nhật Bản đã sẵn sàng
Nhật Bản là một trong những nước có nền công nghiệp quốc phòng lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên, các tập đoàn của nước này như Mitsubishi Heavy Industries từ lâu chỉ sản xuất vũ khí cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản do lệnh cấm buôn bán vũ khí của nước này từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Kể từ khi nới lỏng lệnh cấm này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tìm cách tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh nhiều nước tại đây chỉ có ngân sách quốc phòng rất eo hẹp nhưng vẫn phải “để mắt” đến động thái cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tháng trước, ông Abe đã đồng ý với Tổng thống Philippines Benigno Aquino về kế hoạch trao đổi công nghệ quân sự giữa hai nước. Trước đó, vào tháng 5, ông Abe cũng đã bắt đầu đàm phán về việc chuyển giao công nghệ và vũ khí cho Malaysia.
Ngoài ra, Australia cũng đang cân nhắc để Nhật Bản là nước chế tạo các tàu ngầm thế hệ mới của mình. Điều này cũng được các tư lệnh Hải quân Mỹ hoan nghênh vì sẽ giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ.
Vẫn còn nhiều quan ngại
Hải quân Nhật Bản từng sử dụng tên lửa SeaSparrow do Mitsubishi Electric chế tạo theo một thỏa thuận cùng sản xuất mà nước này ký với NATO và các nhà chế tạo vũ khí của Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ, điều này sẽ khiến quá trình để Nhật Bản là đối tác đầy đủ trong liên minh của NATO trở lên dễ dàng hơn.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin tại Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng, điều này có thể khiến Nhật Bản mất đi quyền kiểm soát quy trình sản xuất loại tên lửa này du việc chia sẻ chi phí rất đáng được hoan nghênh.
“Chúng tôi lo ngại về việc an ninh của Nhật Bản phải dựa vào các nước khác”, một quan chức Nhật Bản cho biết và nhắc đến khả năng việc cung cấp các loại vũ khí trang thiết bị từ các nước khác có thể dễ dàng bị gián đoạn hơn so với việc Nhật Bản tự chế tạo, nhất là khi hai nước xảy ra xung đột.
Ngoài ra, đây có thể là một vấn đề chính trị bởi nhiều khả năng, các tập đoàn của Nhật Bản chuyên cung cấp các thành phần của tên lửa SeaSparrow sẽ bị giảm khá nhiều việc khi phải chia sẻ với các quốc gia tham gia dự án này.
Mong muốn để Nhật Bản tham gia liên minh của NATO xuất phát từ đề xuất của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries được tham gia vào dự án chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn tham gia vào dự án F-35 với tư cách là thầu phụ cho BAE Systems của Anh, chuyên sản xuất phần đuôi của chiếc máy bay này, với mục đích để tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries có thể tham gia vào thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu.
Tuy nhiên, tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries đã không thể cạnh tranh nổi về giá cung cấp các thiết bị so với các nhà thầu chính của 9 nước khởi xướng dự án này, bởi chính phủ các nước nói trên đầu tư rất mạnh tay cho các tập đoàn của họ./.