Vì sao Nhật Bản quyết triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ?
VOV.VN - Nhật Bản tuyên bố việc triển khai Aegis Ashore là nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, nhưng nó lại khiến cả Nga và Trung Quốc lo ngại.
Đối phó với tên lửa từ Triều Tiên
Tháng 12/2017, Nhật Bản quyết định sẽ triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore của Mỹ, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia. Hệ thống do Mỹ sản xuất này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2023. Aegis Ashore không chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, mà còn nhiều mục tiêu khác trong đó có cả tên lửa hành trình.
Nhật Bản quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh, hệ thống Aegis Ashore là phục vụ mục đích bảo vệ đất nước trước nguy cơ từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên, trong bối cảnh Triều Tiên đang đạt những bước tiến lớn trong chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Giới chức Nhật Bản cũng nhiều lần khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore là nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản. Nó hoàn toàn mang tính phòng vệ. Aegis Ashore được các chuyên gia của Nhật Bản kiểm soát một cách độc lập và không phải là mối đe dọa đối với các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia quân sự, thì khả năng Triều Tiên tấn công Nhật Bản là rất thấp.
Có nhằm vào Nga và Trung Quốc?
Một hãng truyền thông Nhật Bản gần đây đưa tin hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore được đặc biệt thiết kế để phòng thủ Nga trong khu vực và việc triển khai này cũng phù hợp với chiến lược của Mỹ đối địch với Nga. Hãng truyền thông này dẫn lời một quan chức quốc phòng giấu tên của Nhật Bản nói rằng, việc triển khai là nhằm kiềm chế khả năng tên lửa Nga tới phía Đông.
Khác với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo sử dụng trong hải quân, Aegis Ashore khi triển khai đánh chặn trên mặt đất sẽ sử dụng hệ thống phóng thẳng Mk 41 VLS. Hệ thống này đang được Mỹ sử dụng để phóng tên lửa chống hạm Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Nếu triển khai ở Nhật Bản và sử dụng hệ thống phóng thẳng Mk 41 VLS với tên lửa Tomahawk thì một số khu vực bờ biển của Trung Quốc, cũng như vùng Sakhalin và Primorsky của Nga sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng.
Nhật Bản trấn an Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa
Bất chấp sự trấn an của Nhật Bản rằng, hệ thống này không nhằm vào Nga và nó cũng do các chuyên gia Nhật Bản vận hành một cách độc lập, nhưng Nga vẫn có sự hoài nghi không hề nhỏ.
Ông Aleksandr Zhilin, một thiếu tá nghỉ hưu của Lực lượng vũ trang Nga, đồng thời là một nhà báo quân sự, cho rằng, những lo ngại như thế này hoàn toàn hợp lý.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với RT, ông Zhilin nói rằng: “Không ai chắc chắn là Nhật Bản kiểm soát hoàn toàn hệ thống phòng thủ tên lửa này. Tất cả những tuyên bố như thế này là nhằm đánh lạc hướng. Mỹ đứng đằng sau vụ triển khai Aegis Ashore và rõ ràng là họ để mắt tới Nga và Trung Quốc”.
Theo ông Jeff Kingston, Giám đốc Khoa nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple University của Nhật Bản, việc triển khai hệ thống Aegis Ashore nhiều khả năng được quyết định triển khai khi cân nhắc về các mối lo ngại từ Trung Quốc và Nga.
“Mối đe dọa cấp bách nhất từ Bình Nhưỡng là nguyên nhân rõ ràng nhất để Nhật Bản đi đến quyết định triển khai hệ thống Aegis Ashore, nhưng việc triển khai này còn liên quan tới các mối lo ngại khác về Trung Quốc và Nga, vì những nước này đều có khả năng quân sự tiên tiến hơn nhiều so với Nhật Bản”, ông Kingston nói.
Giáo sư Joseph Gerson, Chủ tịch chiến dịch hòa bình, giải trừ vũ khí và an ninh chung cũng cho rằng, nếu xảy ra một vụ tấn công tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên, tất nhiên Tokyo sẽ phòng vệ. Đây là thực tế không thể chối cãi. Tuy nhiên, “chương trình tên lửa Nhật Bản dường như cũng được thiết kế để bảo vệ quốc đảo này và các căn cứ quân sự Mỹ khỏi viễn cảnh tấn công tên lửa từ Trung Quốc hay Nga”.
Lo ngại hạt nhân Triều Tiên: Mỹ quyết bán tên lửa cho Nhật Bản
Chạy đua vũ trang trong khu vực
Ông Gregory Clark, chuyên gia về an ninh và quan hệ quốc tế của Australia cho rằng, Tokyo đang lấy cái cớ căng thẳng trong khu vực để đẩy mạnh quốc phòng, trong đó có việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore.
Theo ông, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cần bối cảnh căng thẳng trong khu vực làm lý do hợp lý để điều chỉnh chi tiêu quốc phòng cũng như tăng cường khả năng quân sự Nhật Bản và đặc biệt là vai trò quân sự ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc triển khai Aegis Ashore thể hiện Nhật Bản là nước ủng hộ tích cực đối với chiến lược quân sự Mỹ trong khu vực và hơn thế nữa.
Tuy nhiên, ông Clark cảnh báo, chính sách này có thể tiềm tàng đặt Tokyo vào một sự đối đầu với Moscow. Động thái này cũng sẽ đe dọa đối thoại giữa Nga – Nhật về khu vực tranh chấp mà Nga gọi là quần đảo Kuril còn Nhật gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc.
Giáo sư Joseph Gerson, Chủ tịch chiến dịch hòa bình, giải trừ vũ khí và an ninh chung cũng cho rằng, việc triển khai Aegis Ashore có thể đánh dấu một bước khác trong cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực vốn chỉ làm gia tăng căng thẳng và đặt các cường quốc khu vực trước bờ vực thảm họa chiến tranh.
Việc triển khai hệ thống Aegis Ashore ở Nhật Bản không những không đảm bảo an ninh cho nước này, thay vào đó, Nhật Bản sẽ trở thành một mục tiêu tấn công tên lửa đáng giá vì sự tồn tại của hệ thống này trên lãnh thổ của mình./.