“Vật liệu máy bay” khiến Mỹ và phương Tây phụ thuộc vào Nga

VOV.VN - Sự phụ thuộc của Mỹ và phương Tây vào các đối thủ trong các nguyên liệu chủ chốt trong ngành công nghiệp quốc phòng đang làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia, nhưng loại “vật liệu máy bay” này khiến họ không thể cắt đứt hoàn toàn với Moscow.

Các công ty phương Tây vẫn mua hàng trăm triệu USD titan từ một công ty Nga kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát năm 2022. Điều này cho thấy phương Tây vẫn phụ thuộc vào Nga về một số sản phẩm nhất định và không thể cắt đứt quan hệ kinh tế với Moscow.

Các nhà phân tích trong ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng cho biết, đối với trường hợp titan, sự phụ thuộc của phương Tây vào Nga làm gia tăng lo ngại về an ninh, vì kim loại này đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc sản xuất cả máy bay thương mại mà cả máy bay quân sự.

Cho đến nay, công ty titan VSMPO-AVISMA của Nga vẫn chưa bị Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt mặc dù thuộc sở hữu một phần của Rostec - tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Nga. Rostec sở hữu hàng trăm công ty con và đang chịu lệnh trừng phạt của cả Mỹ và EU.

Khoảng 15.000 tấn titan trị giá 370 triệu USD đã được VSMPO xuất khẩu vào năm 2022, phần lớn trong số đó được chuyển đến các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine, trong đó Đức, Pháp, Mỹ và Anh đứng đầu danh sách. VSMPO vẫn xuất khẩu ít nhất 345 triệu USD titan trong năm 2023.

Ukraine là quốc gia duy nhất trừng phạt công ty VSMPO. Tháng 9/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với VSMPO, tuyên bố rằng công ty này “trực tiếp tham gia và sản xuất các sản phẩm titan cho quân đội cũng như các cơ quan an ninh của Nga”. Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát đó cấm xuất khẩu hàng hóa cho VSMPO, chứ không cấm Mỹ nhập khẩu titan từ công ty Nga.

Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury nói với các phóng viên vào tháng 6/2022: “Chúng tôi nghĩ rằng việc trừng phạt titan Nga sẽ là trừng phạt chính chúng tôi”.

Tháng 12/2022 Airbus cho biết họ sẽ dừng nhập khẩu titan Nga trong vòng vài tháng. Theo dữ liệu của năm 2023, công ty này vẫn mua titan của Nga cho đến ít nhất là tháng 11/2023.

Chật vật tìm nguồn thay thế

Tầm quan trọng của titan đến từ nhiều yếu tố: cứng như thép nhưng nhẹ hơn đến 45%, có khả năng chịu nhiệt và chống ăn mòn tốt. Nó được gọi là “vật liệu máy bay” vì tầm quan trọng chưa thể thay thế trong ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm này.

Các hãng sản xuất máy bay phương Tây đã phụ thuộc vào titan từ Nga trong hàng chục năm qua. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ âm thầm nhập titan từ Liên Xô dù quan hệ 2 bên trong tình trạng leo thang căng thẳng.

Cho đến năm 2022, VSMPO vẫn cung cấp khoảng 1/3 sản lượng titan cấp độ cao cho ngành hàng không trên toàn cầu. Chỉ sau khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022, các công ty phương Tây mới bắt đầu cắt đứt những mối quan hệ này. Đáng kể nhất, Ural Boeing Manufacturing, một liên doanh giữa Boeing và VSMPO, đã bị hủy bỏ vào năm 2022. Trong một tuyên bố, Boeing cho biết họ hiện sử dụng nguồn cung cấp titan ở Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp lớn cho Boeing vẫn tiếp tục mua titan của Nga.

Tập đoàn Safran của Pháp chuyên sản xuất động cơ và thiết bị hạ cánh cho các công ty hàng không vũ trụ, bao gồm cả Boeing, đã tăng lượng nhập khẩu titan từ Nga trong năm 2022. Titan nhập từ Nga có trong động cơ LEAP 1B do Safran sản xuất, động cơ này được sử dụng trong máy bay của cả Boeing và Airbus.

Rolls-Royce, một công ty của Anh sản xuất động cơ cho cả Airbus và Boeing, đầu năm 2022 đã tuyên bố sẽ ngừng mua titan của Nga. Tuy nhiên theo dữ liệu thương mại Rolls-Royce vẫn nhập khẩu từ VSMPO trong cả năm 2022, thậm chí tăng so với năm 2021.

Lô titan VSMPO giao cho Rolls-Royce gần đây nhất là vào tháng 4/2023. Điều này không có nghĩa là Rolls-Royce dừng mua titan Nga sau đó, bởi dữ liệu thương mại giữa Nga và phương Tây thường không được thống kê đầy đủ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Các nhà phân tích cho rằng các công ty phương Tây đang gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung ứng thay thế VSMPO. Một người Mỹ từng làm việc với VSMPO tháng 2/2022, cho biết chi phí sản xuất nói chung của Nga thấp hơn, do đó VSMPO có thể đưa ra mức giá rẻ hơn.

Mối lo ngại về an ninh quốc gia

Mặc dù Mỹ không có lệnh trừng phạt nào cấm mua titan của Nga cho mục đích thương mại nhưng việc sử dụng kim loại đặc biệt này cho quân đội vẫn được quy định.

Theo quy định, Bộ Quốc phòng phải tìm titan và hợp kim titan từ các nguồn của Mỹ hoặc các quốc gia đủ tiêu chuẩn khác, thường là các thành viên NATO hoặc các đồng minh khác của Mỹ.

“Nga không phải là một quốc gia đủ tiêu chuẩn”, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Jurgensen cho biết.

Tuy nhiên, các quy định rất phức tạp. Jeff Green, một nhà vận động hành lang và cựu thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, chỉ ra rằng các công ty thương mại vẫn được phép mua kim loại từ các quốc gia không đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho các mặt hàng lưỡng dụng miễn là họ cũng mua một tỷ lệ nhất định kim loại do Mỹ sản xuất. Cho đến năm 2023, Mỹ vẫn chưa ban hành quy định nào về việc một quốc gia đủ điều kiện có thể mua hàng từ đâu và Nga có thể chuyển vật liệu qua các quốc gia đối tác như vậy.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu không có hạn chế về việc tìm nguồn cung ứng kim loại đặc biệt cho các mặt hàng quân sự.

Một số công ty thương mại lớn, bao gồm Airbus và Safran, cũng cung cấp vũ khí cho quân đội Mỹ và châu Âu.      

Airbus cho biết họ không sử dụng titan do VSMPO cung cấp trong bất kỳ sản phẩm quân sự nào. Còn Safran nói rằng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, họ không còn sử dụng titan của VSMPO trong “các sản phẩm quân sự chuyên dụng”.

Theo dữ liệu của Nga, các công ty khác có tham gia vào chuỗi cung ứng cho chương trình F-35 vẫn mua titan Nga bao gồm cả Rolls-Royce. Công ty này sản xuất động cơ sử dụng các bộ phận titan cho các biến thể của máy bay F-35. Rolls-Royce hiện chưa bình luận về các hợp đồng quốc phòng.

Một số nhà cung cấp khác ở Anh và Canada cũng vẫn mua titan của Nga.

Nhà sản xuất F-35 Lockheed Martin cho biết họ đã hợp tác “chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các cơ quan chính phủ và nhà cung cấp để đánh giá tính sẵn có của các bộ phận và nguyên liệu nhằm đáp ứng tất cả các yêu cầu theo hợp đồng của chính phủ Mỹ”.

Jurgensen, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho hay Bộ Quốc phòng gần đây đã công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng để giúp giải quyết các vấn đề về nguồn cung ứng.

“Chúng tôi đang phát triển các công cụ lập bản đồ chuỗi cung ứng và hoàn thành nghiên cứu chuỗi cung ứng toàn diện để giúp giảm thiểu sự hiện diện tiềm ẩn của nguyên liệu từ các đối thủ cạnh tranh và các nguồn cung cấp không đáng tin cậy khác”, ông Jurgensen cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Jurgensen cho biết, cơ quan quản lý hợp đồng của Lầu Năm Góc “chưa thực hiện cuộc thống kê cụ thể đối với titan”.

Mỹ cần chiến lược cho cuộc chơi lâu dài

Mặc dù các công ty titan của Mỹ có thể tạo ra kim loại cấp độ phù hợp để sử dụng trong các linh kiện máy bay, nhưng sau khi đóng cửa vào năm 2020, họ phụ thuộc vào xốp titan nhập khẩu. Khoảng 80% xốp titan được sử dụng ở Mỹ đến từ Nhật Bản nhưng Tokyo vẫn đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu.

Các nhà sản xuất titan của Mỹ đều nhận thấy nhu cầu tăng gấp đôi, nhưng họ sẽ cần sự trợ giúp của chính phủ để khởi động lại đủ hoạt động sản xuất xốp titan tại Mỹ.

Willy Shih, giáo sư chuyên về sản xuất tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết ngành công nghiệp titan của Mỹ chắc chắn có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường toàn cầu do VSMPO để lại, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể và có thể phải áp dụng các công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm sạch hơn, titan hiệu quả hơn.

“Chúng tôi có xu hướng tập trung vào ngắn hạn và tập trung vào giá cả. Nhưng nếu thực sự coi đây là chiến lược thì phải theo một cuộc chơi lâu dài”, ông Shih nói.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mẹo của EU để ép Nga thanh toán tiền vũ khí viện trợ cho Ukraine
Mẹo của EU để ép Nga thanh toán tiền vũ khí viện trợ cho Ukraine

VOV.VN - Sử dụng tiền lãi từ các tài sản Nga đóng băng bị giữ lại tại châu Âu, khối EU lên kế hoạch thu hàng tỷ USD để quyên góp vũ khí cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Các phương cách khác mà EU tính tới thì đều khá mịt mùng.

Mẹo của EU để ép Nga thanh toán tiền vũ khí viện trợ cho Ukraine

Mẹo của EU để ép Nga thanh toán tiền vũ khí viện trợ cho Ukraine

VOV.VN - Sử dụng tiền lãi từ các tài sản Nga đóng băng bị giữ lại tại châu Âu, khối EU lên kế hoạch thu hàng tỷ USD để quyên góp vũ khí cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Các phương cách khác mà EU tính tới thì đều khá mịt mùng.

Ukraine muốn Nga phải trả giá khi cố thủ ở các vị trí ít giá trị chiến lược?
Ukraine muốn Nga phải trả giá khi cố thủ ở các vị trí ít giá trị chiến lược?

VOV.VN - Bất chấp sự nghi ngờ của Mỹ, Ukraine cho rằng việc bảo vệ những địa điểm hầu như không có nhiều giá trị chiến lược là xứng đáng khi cân nhắc đến tổn thất về lực lượng và vũ khí bởi Nga - hiện đang ở thế tấn công thậm chí phải trả giá đắt hơn.

Ukraine muốn Nga phải trả giá khi cố thủ ở các vị trí ít giá trị chiến lược?

Ukraine muốn Nga phải trả giá khi cố thủ ở các vị trí ít giá trị chiến lược?

VOV.VN - Bất chấp sự nghi ngờ của Mỹ, Ukraine cho rằng việc bảo vệ những địa điểm hầu như không có nhiều giá trị chiến lược là xứng đáng khi cân nhắc đến tổn thất về lực lượng và vũ khí bởi Nga - hiện đang ở thế tấn công thậm chí phải trả giá đắt hơn.

Chiến lược mới của Nga đẩy Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”
Chiến lược mới của Nga đẩy Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”

VOV.VN - Nga liên tiếp phá hủy các hệ thống vũ khí hiện đại mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Chiến lược mới của Moscow đã đem lại kết quả trong khi Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng” khi viện trợ từ phương Tây ngày càng trở nên nhỏ giọt.

Chiến lược mới của Nga đẩy Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”

Chiến lược mới của Nga đẩy Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”

VOV.VN - Nga liên tiếp phá hủy các hệ thống vũ khí hiện đại mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Chiến lược mới của Moscow đã đem lại kết quả trong khi Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng” khi viện trợ từ phương Tây ngày càng trở nên nhỏ giọt.