Hé lộ về "UAV mẹ" lần đầu Nga triển khai để thọc sâu vào phòng tuyến Ukraine
VOV.VN - Lần đầu tiên Nga được ghi nhận triển khai "thiết bị chuyên chở UAV" để vận chuyển các máy bay không người lái cảm tử góc nhìn thứ nhất (FPV) tấn công vào sâu trong phòng tuyến Ukraine.
“UAV mẹ” – Đột phá trong công nghệ tác chiến UAV
Ngày 16/9, blogger quân sự Nga Yuri Podolyaka dẫn lời các nhân chứng thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine ghi nhận hoạt động triển khai này, đánh dấu diễn biến mới có ý nghĩa quan trọng trong chiến thuật tác chiến UAV của Nga.
Theo các nguồn tin của Ukraine, quân đội Nga đã tấn công một đơn vị của nước này bằng các UAV cảm tử góc nhìn thứ nhất được phóng từ một "UAV mẹ" có thể tái sử dụng vào sau phòng tuyến khoảng 40km.
"UAV mẹ" thực hiện nhiệm vụ trinh sát trực quan, đóng vai trò như một bộ tiếp âm cho các tín hiệu điều khiển và liên lạc video, đồng thời là một hệ thống triển khai các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).
Nó cho phép liên lạc thông suốt với các UAV tấn công bằng cách hoạt động như một trạm chuyển tiếp trên không, ngay cả ở những khu vực mà các hệ thống tác chiến điện tử trong chiến hào của Ukraine thường gây nhiễu hoặc can thiệp vào các hoạt động như vậy.
Một nguồn tin từ Ukraine cho biết: "Nga đã tấn công đơn vị của chúng tôi bằng các máy bay không người lái FPV, được đưa đến bằng một UAV mẹ có thể tái sử dụng ở khoảng cách 40km từ tiền tuyến. UAV mẹ đã tiến hành trinh sát trực quan và chỉ đạo FPV tấn công. Nó cũng hoạt động như một bộ tiếp âm cho các tín hiệu điều khiển và liên lạc video. Khoảng cách gần của UAV mẹ với FPV đã làm giảm hiệu quả của các thiết bị tác chiến điện tử xuống bằng 0".
Đây là một trong những trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc quân đội Nga sử dụng “UAV mẹ” để triển khai các FPV từ khoảng cách xa như vậy.
Truyền thông Nga cũng xác nhận rằng thiết bị chuyên chở UAV đã thực hiện một số chức năng quan trọng. Ngoài việc đưa UAV đến địa điểm tấn công, nó còn tiến hành trinh sát trực quan và hoạt động như một bộ tiếp âm cho các tín hiệu điều khiển và liên lạc video. Điều này cho phép những người vận hành ở xa khu vực tấn công vẫn có thể kiểm soát được.
"UAV mẹ" bay gần chiến trường hơn, có thể tự định vị để duy trì kết nối ổn định với các FPV, đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả kể cả trong những tình huống phức tạp. Điều này cho phép các FPV tấn công sâu vào lãnh thổ của đối phương, khắc phục những hạn chế về tầm hoạt động ngắn và đường liên lạc không đáng tin cậy trong các đợt tấn công ở độ cao thấp.
UAV mẹ cũng có thể cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các FPV bằng cách đóng vai trò như một hệ thống phân phối và nút liên kết dữ liệu.
Nhà phân tích quốc phòng Vijainder K Thakur cho biết: "Khái niệm phương tiện chuyên chở UAV đại diện cho sự phát triển đáng kể trong công nghệ tác chiến UAV. Bằng cách hoạt động như một phương tiện chuyên chở và trạm chuyển tiếp, UAV mẹ có thể tăng đáng kể phạm vi hiệu quả của các FPV".
Công nghệ tiên tiến của Nga
Nga đã thúc đẩy phát triển công nghệ “UAV mẹ” nhưng mẫu cụ thể được sử dụng trong cuộc tấn công gần đây vẫn chưa được tiết lộ. Hồi tháng 10/2023, đã có các bài báo về việc SvyazSpetszachita của Nga quảng bá phương tiện chuyên chở UAV “Admiral” VTOL (cất cánh và hạ cánh thẳng đứng) có thể vận chuyển 2 FPV trên quãng đường lên tới 400 km.
Máy bay không người lái Admiral được thiết kế để có thể bay liên tục trong 4 tiếng và tốc độ hành trình đạt 120km/h. Tải trọng của nó là 10kg và có thể mang theo 2 UAV Fighter-7 với mỗi chiếc có thể mang tải trọng 2kg và hoạt động trong phạm vi 6,5km.
Các phiên bản tương lai của Admiral dự kiến sẽ mang theo tối đa 4 FPV, mở rộng khả năng tấn công của nó.
Cơ chế điều khiển của Admiral được chi phối bởi các hệ thống kỹ thuật số tiên tiến, khả năng xác định mục tiêu và nhận dạng vật thể, vốn được tăng cường bởi hệ thống thị giác sử dụng công nghệ mạng nơ-ron. Tính năng hành vi do AI điều khiển này cho phép UAV có thể xác định và tấn công các mục tiêu của kẻ thù một cách hiệu quả.
Vào thời điểm đó, các video được chia sẻ trực tuyến đã cho thấy thiết kế của UAV Admiral, có phần thân truyền thống với cánh quạt gắn ở mũi và 4 rotor nâng trên cần trục giữa cánh.
Trong khi bay, Admiral đã thả các FPV để tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu của đối phương. Động cơ đốt cũng sạc lại pin của UAV giữa chuyến bay để đảm bảo quay lại suôn sẻ. Sau khi triển khai FPV, Admiral tiếp tục hoạt động như một bộ chuyển tiếp, duy trì liên lạc ổn định giữa các UAV cảm tử và người điều khiển chúng ở khoảng cách xa.
Đầu năm nay, một “UAV mẹ” có tên là Pchelka cũng đã được giới thiệu. Tuy nhiên, các bài báo cho rằng nó quá nặng và không có tốc độ cần thiết để sử dụng hiệu quả trên chiến trường. Do đó, họ quyết định phát triển một mô hình mới được thiết kế riêng để phóng các FPV.
Gần đây, công ty LLC SPC BERKUT của Nga thông báo phát triển “UAV mẹ” Burya-20 được thiết kế để phóng các FPV và được cho là đã bắt đầu sản xuất mẫu mới này ở quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, bước nhảy vọt trong công nghệ tác chiến UAV đi cùng với chi phí cao. Chẳng hạn, UAV Admiral có chi phí lên tới 7,2 triệu ruble (74.000 USD), biến nó trở thành một công cụ đắt đỏ hơn nhiều so với các UAV truyền thống. Chi phí này có thể hạn chế việc triển khai những hệ thống như vậy trên quy mô lớn.
Mặc dù khái niệm “UAV mẹ” mang đến những lợi ích chiến thuật đáng kể nhưng việc triển khai nó có thể gặp phải những trở ngại về tài chính - điều có thể ảnh hưởng đến tính ứng dụng rộng rãi của nền tảng tiên tiến này.