Mỹ bất an vì Nga đưa tên lửa S-400 áp sát châu Âu
Các hệ thống phòng không hỗn hợp nhiều tầng, trong đó có S-400, của Nga ở Kaliningrad đang khiến quan chức quân đội Mỹ lo lắng.
Hôm 11/1, tướng Frank Gorenc, tư lệnh không quân Mỹ phụ trách các hoạt động ở châu Âu và châu Phi đã bày tỏ lo ngại về việc Nga tăng cường lượng lớn các hệ thống phòng thủ tên lửa hỗn hợp đến gần không phận các thành viên NATO ở châu Âu, trong đó có Ba Lan. Ông cũng cho biết Nga cũng đã bắt đầu tăng cường các hệ thống tên lửa tương tự ở bán đảo Crimea, theo NYTimes.
"Việc phổ biến với mật độ dày đặc của các vũ khí phục vụ cho chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) là điều mà chúng ta cần xem xét", tướng Gorenc nói.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest, không quân Mỹ đang lo lắng về việc Nga triển khai các hệ thống phòng không tích hợp tiên tiến ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ nước Nga nằm giữa Ba Lan và Litva.
Moscow đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng không Almaz –Antey S-400 Triumf ở khu vực nằm tách biệt trên Biển Baltic này từ 2012, theo truyền thông Nga. Các hệ thống tên lửa hiện đại như S-400 có uy lực đủ mạnh để thiết lập một khu vực cấm bay trên thực tế ở phần lớn lãnh thổ nước láng giềng Ba Lan và Litva, có khả năng phát hiện và tiêu diệt chiến đấu cơ tàng hình thông thường trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo tướng Gorenc, các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không nhiều tầng của Nga ở Kaliningrad "khiến cho việc tiếp cận nơi này cực kỳ khó khăn". Nhiều khả năng tướng Gorenc đang nhắc đến hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa Voronezh–DM cùng các tiểu đoàn tên lửa S-400, S-300 và các hệ thống phòng thủ khác mà Nga được cho là đã triển khai ở khu vực này. Với hệ thống S-400 có phạm vi tác chiến 400 km được bố trí ở Kaliningrad, lực lượng phòng không Nga có thể giám sát các máy bay hoạt động trên một phần ba lãnh thổ Ba Lan.
Nga cũng đã triển khai các lực lượng bộ binh hơn 10.000 người ở Kaliningrad, gồm ba lữ đoàn chiến đấu đầy đủ quân số, một lữ đoàn hải quân đánh bộ tinh nhuệ và hai lữ đoàn súng trường cơ động. Các đơn vị bộ binh cơ giới này được tăng cường thêm một lữ đoàn pháo binh với 54 khẩu pháo cỡ lớn. Việc bảo vệ không phận do căn cứ không quân số 7054 gồm nhiều chiến đầu cơ và trực thăng vũ trang đảm nhiệm.
Theo ông Majumdar, Nga có thể đã triển khai lâu dài các tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân 9K720 Iskander-M với tầm bắn 496 km đến lữ đoàn tên lửa số 152 đóng quân tại Kaliningrad. Những tên lửa này có độ chính xác cao, với độ sai lệch dưới 5,2 m, và một số báo cáo cho rằng tên lửa Iskander-M có tầm bắn thực tế là 696 km.
Kaliningrad, vùng lãnh thổ bên ngoài nước Nga. Đồ họa: BBC. |
Sau khi Liên Xô tan rã, Kaliningrad nằm tách biệt khỏi phần lớn lãnh thổ Nga. Hướng duy nhất đến được nơi này là từ biển hoặc qua hệ thống đường sắt dễ gặp rủi ro chạy qua Belarus và Litva. Bởi vậy ông Majumdar nhận định việc Nga triển khai lực lượng quân sự hùng hậu ở Kaliningrad chỉ đơn thuần là một động thái mang tính phòng thủ.
Theo đó, nhiều khả năng Nga tăng cường khí tài quân sự đến khu vực này để đề phòng nguy cơ NATO tấn công Kaliningrad. Nếu kịch bản này xảy ra, các lực lượng Nga tại đây sẽ phải cầm cự trong một thời gian dài trước khi quân chủ lực Nga tiếp viện qua ngả Belarus và lãnh thổ Litva.
Paul Saunders, giám đốc điều hành Trung tâm lợi ích Quốc gia Mỹ, cho rằng việc Nga tăng cường phòng thủ Kaliningrad là điều có thể dự đoán được sau khi NATO mở rộng về phía đông.
"Người Nga đã cảnh báo sẽ triển khai tên lửa đạn đạo Iskander tới Kaliningrad sau khi NATO mở rộng về phía đông. Nỗi quan ngại của Nga đã không được NATO cân nhắc, khiến Moscow cảm thấy bị đe dọa", Saunders nói.
Để đáp trả việc Nga triển khai các hệ thống phòng không ở Kaliningrad, không quân Mỹ đang nghiên cứu các chiến thuật, công nghệ mới đối phó với các hệ thống này trong tương lai gần.
Về lâu dài, không quân Mỹ có thể triển khai dài hạn lượng lớn tiêm kích tàng hình đa nhiệm F-35 đến khu vực. Trên thực tế, không quân Mỹ đã bắt đầu triển khai định kỳ các tiêm kích tàng hình có ưu thế không chiến "Chim ăn thịt" F-22 Raptor đến châu Âu để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, chuyên gia Majumdar nhấn mạnh./.