Nga phát triển tên lửa đạn đạo mới mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu hỏa
VOV.VN - Ngày 27/1/2022, công ty nhà nước Nga Roscosmos đã công bố việc phát triển một loại tên lửa đạn đạo mới dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa RSM-56 Bulava, có thể phóng từ các toa tàu hỏa.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển một biến thể dựa trên RT-23 Molodets - tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 giai đoạn, dùng nhiên liệu rắn để phóng từ các toa tàu hỏa trên đường sắt. Tên lửa đặt trên đường ray có thể di chuyển linh hoạt theo mạng lưới đường sắt và do đó rất khó bị phát hiện và theo dõi. Quân đội Liên Xô đã triển khai tên lửa tầm xa di động bằng đường sắt đầu tiên vào năm 1987 và có đến 12 tên lửa loại đó vào năm 1991. Tên lửa cơ động bằng đường sắt được đưa ra khỏi biên chế năm 2002, và căn cứ cuối cùng bị tháo dỡ vào năm 2007 theo hiệp ước cắt giảm vũ khí START II với Mỹ.
Đối với phiên bản đường sắt RT-23 Molodets mới, tên lửa đạn đạo có thể được lưu giữ trong một toa tàu tiêu chuẩn. Đoàn tàu có thể di chuyển với tốc độ 80-120 km/h trên toàn bộ mạng lưới đường sắt của Nga. Theo bản vẽ được đăng tải trên mạng, toàn bộ hệ thống bao gồm một đầu máy, một toa tàu chỉ huy và điều khiển, một toa tàu chở nhiên liệu và khoang điều khiển phóng tên lửa bên trong toa tàu.
Tháng 2/2016, Army Recognition đưa tin, Nga đã lên kế hoạch nhận một thế hệ mới tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ tàu hỏa mang tên Barguzin có thể mang 6 ICBM RS-24 Yars. Theo thông tin từ tài khoản Twitter của Mike Mihajlovic, tên lửa của tổ hợp phóng từ đường sắt mới dựa trên tên lửa phóng từ tàu ngầm có ký hiệu RSM-56 Bulava. RSM-56 Bulava là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, được phát triển cho Hải quân Nga.
Tên lửa đã hoàn thành các cuộc phóng thử giai đoạn đầu tiên vào cuối năm 2004 và được triển khai vào năm 2013 trên lớp tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo mới lớp Borei, còn được gọi là tàu ngầm lớp Dolgorukiy hoặc Dự án 955, có khả năng mang 12-16 tên lửa mỗi tàu. Theo tính năng kỹ thuật được công bố trên bản vẽ, tên lửa đường sắt ICBM mới dự kiến mang từ 8-10 đầu đạn hạt nhân đa đầu hướng (Multiple Independent Reentry Vehicle - MIRV) và có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách tối đa 8.000 km.
Tên lửa Bulava được phát triển tại Viện Công nghệ Nhiệt Moscow dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư trưởng Yury Solomonov. Mặc dù sử dụng một số giải pháp kỹ thuật được sử dụng cho ICBM RT-2PM2 Topol-M gần đây, nhưng tên lửa mới đã được phát triển hầu như từ đầu. Bulava vừa nhẹ hơn vừa tinh vi hơn Topol-M. Hai tên lửa dự kiến sẽ có tầm bắn tương đương, cấu hình đầu đạn và sai số tương tự nhau.
Bulava có trọng lượng phóng từ 1.150 kg và tầm bay 8.000-9.500 km. Tên lửa có ba giai đoạn; giai đoạn đầu tiên và thứ hai sử dụng nhiên liệu rắn, trong khi giai đoạn thứ ba sử dụng nhiên liệu lỏng để cho phép cơ động cao trong quá trình tách đầu đạn. Tên lửa có thể được phóng từ một vị trí nghiêng, cho phép tàu ngầm khai hỏa khi đang di chuyển. Nó có quỹ đạo bay thấp, và do đó, nó có thể được xếp vào loại tên lửa gần như tên lửa đạn đạo.
Bulava được cho là sở hữu khả năng phòng thủ tên lửa tiên tiến và có thể cơ động ở giai đoạn tăng cường. Các tàu ngầm lớp Borei mang tên lửa Bulava dự kiến sẽ là một phần không thể thiếu trong bộ ba hạt nhân của Nga cho đến năm 2040. Bulava có thể được sử dụng trên các bệ phóng di động đường bộ TEL, trên tàu BZhRK đường sắt và các bệ phóng khác. Sau vụ phóng thành công vào ngày 27/6/2011, chính phủ Nga tuyên bố bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa Bulava.
Các thông số kỹ thuật chính của tên lửa Bulava: dài 11,5 m (kể cả đầu đạn), đường kính 2 m, nặng 36,8 tấn, mang 6-10 đầu đạn đạn hạt nhân đa đầu hướng (100-150 kt), tầm bắn đến 9.500 km, được hướng dẫn quán tính, quán tính thiên văn và/hoặc cập nhật bởi hệ GLONASS, sai số tính từ mục tiêu 120-350 m. Tên lửa có thể sẽ mang theo mồi nhử và có khả năng cơ động trong chuyến bay cũng xác định lại mục tiêu để để tấn công. Tính đến tháng 11/2015, tên lửa đã trải qua tổng cộng 24 cuộc thử nghiệm, 16 trong số đó được đánh giá là thành công./.