Tết của bà tôi

Cứ mồng bốn Tết cậu lại ra đi, bà khấn ông trong nước mắt “con trai nhà này ai cũng muốn ra đi, chỉ có tôi suốt đời ngồi ở xó rừng chờ đợi”…

Bà tôi sống một mình trong ngôi nhà nhỏ bên đồi cọ. Giữa xóm làng cheo leo, rừng núi heo hút luôn bập bùng ánh lửa đêm thâu của bà ngồi khơi bếp chờ chú tôi về. Bà vẫn thường bảo: “Người ta khờ dại có thời, có tuổi thôi nhưng thằng Ba nó ngông nghênh, khờ dại cả một đời làm bà phải khổ”.

Những lúc ấy, tôi ngồi nhớ chông chênh về một vùng đất xa xôi nào đó. Nơi ấy tôi chưa từng đặt chân đến. Ngồi ngóng hết hơn ba trăm buổi chiều thì cậu Ba cũng về, năm nào cũng vậy đúng chiều 30 Tết. Những lúc ấy, nước mắt bà nhoèn khói bếp…

Chiều Ba mươi, bố mẹ tôi cũng về, mang theo rất nhiều gạo nếp thơm, quần áo đẹp. Đôi lúc cả vài cuộn lá dong xanh. Bà móm mém: “Lá dong quê mình có thiếu gì đâu mà các con phải mang từ dưới xuôi về, vừa đắt đỏ lại vừa nặng nhọc”.

Mẹ chỉ cười. Mẹ thương bà lắm. Dù lấy chồng từ năm mười tám tuổi, rồi phải theo nhà chồng trong những chuyến buôn chè xuôi ngược, nhưng cứ đôi ba tuần mẹ gửi đồ và viết thư cho hai bà cháu. Lần nào đọc thư mẹ, bà cũng nhớ đến cậu Ba, những lúc ấy tôi muốn mình lớn nhanh để đi tìm cậu về cho bà. Về bất cứ lúc nào chứ không phải chỉ ba ngày Tết rồi cậu lại đi.

Cậu là họa sỹ, bà bảo cậu vẽ đẹp lắm, nhưng càng ngày bà càng không hiểu được những gì cậu vẽ. Nó xa lạ và trừu tượng đối với bà cháu tôi. Nhưng mỗi lần thấy cậu ngồi im lặng trước những bức tranh, tôi lại thấy chúng thật hiền như cậu vậy.  

Cậu tôi có cái máu chu du từ thời trẻ. Bà bảo cậu không dừng lại ở đâu quá một tháng, kể cả nhà mình. Bà không biết cậu đi đến những đâu, gặp gỡ những ai, vẽ được bao nhiêu bức tranh… Bà chỉ biết cậu bỏ bà mà đi suốt ngày dài, tháng rộng. Những lúc ốm, sờ bên trái không thấy con, quờ bên phải cũng chẳng thấy đứa nào, lúc ngẩng lên chỉ thấy đứa cháu ngoại nhìn bà bằng ánh nhìn khờ dại.

Lúc ấy, bà giận cậu lắm. Bà bảo “khi nào nó mò về, nhất định bà sẽ đuổi nó đi cho mà coi. Làm người đàn ông thì phải biết lo cho người thân, sau này cháu lớn lên đừng làm người như cậu”. Thế nhưng có khi nào cậu về mà bà lại lỡ đuổi cậu đi đâu. Có đôi lần tôi hỏi thì bà bảo: “Tại nó về vào ngày Tết. Ai lỡ lòng nào…”. Nói vậy chứ tôi biết vì bà thương cậu lắm.

Việc đầu tiên khi cậu trở về nhà là bà lôi cậu ra giếng, nơi có sẵn một nồi nước lá mùi già mà bà đã đun sẵn. Bà thả vào đó ít vỏ bưởi cho thơm, rồi dội từng gáo nước ấm lên lưng cậu. Cậu mặc độc một cái quần đùi, lưng cậu gầy, vai nhô lên. Tôi thấy bà vừa kị cọ cho cậu vừa khóc, dĩ nhiên cậu chẳng bao giờ biết được điều ấy. Tôi thấy thương bà…

Ngày Tết, bà gói bánh chưng bằng những tàu lá dong phẳng phiu mẹ mang dưới xuôi về. Ngoại gói bánh không cần khuôn, nhưng vẫn vuông vức như bánh người ta bán ngoài chợ vậy. Mỗi lần nghe tôi khen, ngoại chỉ cười hiền từ, miệng nhai trầu đỏ thắm. Cứ một năm, qua 365 ngày tôi mới lại được nhìn ngoại vui như thế. Tết mà…

Người làng đi qua bếp nhà tôi thường kháo nhau “bà Sinh làm kẹo chè lam thơm lắm”. Tôi thì chẳng thích thú gì, vì cứ khi nào làm xong mấy mẻ kẹo đó là cậu lại đi. Bà nhét vào ba lô cậu nào bánh chưng, nào chè lam, nào là vài ba chai rượu nếp cẩm. Đã có lần buột mồm tôi bảo: “Bà chiều cậu thế nên cậu hư”. Cậu cốc nhẹ vào trán tôi, cười lém lỉnh. Còn bà, mắt buồn rười rượi.  

Tôi thường là người tiễn cậu xa nhất, lẽo đẽo như một cái đuôi ra tít tận đường cái lớn. Lần nào cậu cũng bảo với tôi rằng cậu phải đi rất xa, có rất nhiều nơi cậu chưa bao giờ được đặt chân đến. Cậu còn nói có khi đi hết cả cuộc đời vẫn chưa đến được nơi mà mình muốn.

Những lúc ấy tự nhiên tôi lại thèm được lớn lên để ra đi như cậu. Nhưng nếu bà biết chăc bà sẽ buồn nhiều lắm. Nên tôi không bao giờ dám nói ra cái ý nghĩ ấy, chỉ lẳng lặng ngồi ngóng về một thế giới xa xăm trong tưởng tượng mỗi buổi chiều tàn.

Cứ mồng bốn Tết, khi cậu đã đi rồi là bà thắp hương cho ông. Bà khấn ông trong nước mắt “con trai nhà này ai cũng muốn ra đi, chỉ có tôi suốt đời ngồi ở xó rừng chờ đợi”. Bất chợt, tôi tự hỏi có bao giờ trên những mảnh đất xa xôi ấy, cậu chợt nhớ đến bà không? Và tự nhiên tôi sợ cả chính cái thói quen ngóng chờ mỗi buổi chiều của mình. Lòng run lên khe khẽ “Bà ơi! Thế là lại hết Tết rồi”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên