Bộ trưởng Y tế yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm về VSATTP
VOV.VN - Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Mỗi dịp Tết Nguyên Đán đến là nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, thực phẩm tăng lên. Nguy cơ xuất hiện trên thị trường trong dịp này các loại sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ rất cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế khuyên người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác. (ảnh: KT Internet) |
Trong kế hoạch đã phân công cụ thể các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương và các ngành thành viên Ban chỉ đạo tham gia 06 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đắc Lắc, Lâm Đồng), đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thành lập các đoàn thanh, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên Đán trên địa bàn tỉnh.Kế hoạch đã nêu rõ đối tượng, nội dung, phương pháp thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Kế hoạch cũng nêu rõ: tập trung ưu tiên vào những cơ sở SX, KD các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên Đán như bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt,…; tập trung thanh, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở nhập khẩu thực phẩm…Đồng thời chỉ rõ phải đảm bảo phối hợp giữa các ngành, các cấp, tránh sự chồng chéo.
Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND 2 thành phố triển khai Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này góp phần vào nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm ở tuyến cơ sở nhằm tăng cường hơn lực lượng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Y tế (Cục ATTP làm đầu mối) đã gấp rút triển khai các hoạt động truyền thông cụ thể như:
Tổ chức Họp cộng tác viên báo chí phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân 2016, xây dựng thông điệp đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Bính Thân; hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, bảo quản, sử dụng thực phẩm trong dịp Tết.
Huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương.
Xây dựng thông điệp tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên Đán trên Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói, website và các phương tiện truyền thông khác.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện nghiêm túc các quy định của Pháp luật về kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Đối với người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng.
Nhân dịp năm mới 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng gửi thông điệp tới người dân: Vì Tết Bính Thân An khang - Hạnh phúc, hãy bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.