Các mẹo sơ cứu khi bị chó cắn
VOV.VN - Nếu bạn bị chó cắn, điều quan trọng là phải biết cách xử lý vết thương ngay lập tức để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nếu bạn bị chó cắn, bạn nên xử lý vết thương ngay lập tức để giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn như bệnh dại, một bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Trong một số trường hợp, bạn sẽ có thể tự sơ cứu cho mình. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn sẽ cần điều trị y tế ngay lập tức.
Tiến sĩ Nishant Singh, bác sĩ đa khoa, Phòng khám Meddo Nidaan, cho biết điều đầu tiên cần kiểm tra khi bị chó cắn là mức độ nghiêm trọng của vết thương và liệu con chó đó đã được tiêm phòng chưa. Vết chó cắn có thể gây nhiễm trùng cần được bác sĩ điều trị.
Sau đây là các bước sơ cứu chung khi bạn bị chó cắn:
Bước 1: Giữ bình tĩnh, tạo khoảng cách giữa bạn và chó. Điều này sẽ làm giảm khả năng bị chó cắn lần nữa.
Bước 2: Rửa vết thương bằng xà phòng và nước ấm.
Bước 3: Nhẹ nhàng ấn một miếng vải sạch lên vết thương để cầm máu.
Bước 4: Bôi thuốc mỡ kháng khuẩn vào vết thương khi máu ngừng chảy.
Bước 5: Băng kín vết thương bằng băng vô trùng.
Bước 6: Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm đỏ, sưng, đau tăng, sốt và có mủ.
Bước 7: Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn nghi ngờ bị nhiễm trùng hoặc có khả năng tiếp xúc với bệnh dại, hoặc nếu vết thương nghiêm trọng.
Luôn đi khám bác sĩ nếu:
- Vết cắn là của một con chó hoang hoặc một con chó hành động thất thường hoặc có vẻ bị bệnh.
- Vết cắn đã làm rách hoặc hỏng da của bạn, để lộ xương, gân hoặc cơ.
- Chảy máu không ngừng sau 15 phút băng bó.
- Vết cắn trở nên đỏ, nóng, sưng hoặc đau dữ dội, mưng mủ.
- Nếu bạn là bệnh nhân tiểu đường, ung thư, hoặc mắc bệnh AIDS.
- Cảm thấy yếu ớt, mất phương hướng, ngất xỉu hoặc bị sốt.
- Động vật thường mang bệnh dại có thể gây nhiễm trùng, vì vậy hãy tìm hiểu xem động vật đã được tiêm vaccine phòng bệnh dại hay chưa. Nếu không, hãy đến gặp bác sĩ./.