Cách giảm lượng đường trong máu tự nhiên đối với bệnh nhân tiểu đường
VOV.VN - Kiểm soát lượng đường trong máu là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể, đặc biệt đối với những người tiền tiểu đường hoặc mắc bệnh tiểu đường. Dưới đây những phương pháp mà bạn có thể áp dụng.
Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên. Khi tập thể dục, cơ bắp của bạn sử dụng glucose làm năng lượng, giúp giảm lượng đường trong máu.
Tập thể dục thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ hoặc rèn luyện sức mạnh sẽ cải thiện độ nhạy insulin và giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Do đó bạn hãy đặt mục tiêu tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần để thấy sự cải thiện trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Chế độ ăn uống cân bằng
Các loại thực phẩm bạn ăn có tác động đáng kể đến lượng đường trong máu. Do đó việc bổ sung thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, rau không chứa tinh bột và các loại đậu sẽ giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến. Những thực phẩm này được tiêu hóa chậm, dẫn đến lượng đường trong máu tăng dần.
Mặt khác, tránh các thực phẩm có GI cao như carbohydrate tinh chế, đồ ăn nhẹ có đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể ngăn chặn lượng đường tăng đột ngột. Việc kết hợp các thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây và hạt cũng cải thiện việc điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ glucose.
Uống giấm táo
Giấm táo (ACV) đã được chứng minh là giúp giảm lượng đường trong máu, đặc biệt là sau bữa ăn. Axit axetic trong giấm táo giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm tác động lên đường huyết của thực phẩm.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng một lượng nhỏ giấm táo trước hoặc trong bữa ăn sẽ giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn.
Bạn chỉ việc pha loãng 1-2 thìa giấm táo trong một cốc nước và uống trước bữa ăn. Hãy nhớ súc miệng sau đó để bảo vệ răng khỏi axit.
Quản lý căng thẳng
Căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn do giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol, từ đó làm suy giảm chức năng insulin. Bằng cách thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng, chẳng hạn như yoga, thiền, thở sâu hoặc dành thời gian hòa mình với thiên nhiên để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngủ đủ giấc
Ngủ kém hoặc nghỉ ngơi không đầy đủ sẽ góp phần gây kháng insulin và tăng lượng đường trong máu. Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể có thể sản sinh ra nhiều cortisol hơn, từ đó làm tăng lượng đường trong máu. Do đó việc đặt mục tiêu ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm sẽ giúp cân bằng hormone và cải thiện khả năng điều chỉnh lượng đường của cơ thể.