Không thể chủ quan với hen phế quản trong mùa Đông
VOV.VN - Thời tiết giao mùa và không khí lạnh của mùa Đông khiến nhiều bệnh nhân hen có thể kích phát cơn hen phế quản.
Trong ngày hôm nay (9/12), đông đảo người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã tới Bệnh viện Bạch Mai để khám, tư vấn và được phát thuốc miễn phí bệnh hen phế quản.
Ngày khám diễn ra vào đúng thời điểm thời tiết trở lạnh khiến nhiều bệnh nhân hen có thể lên cơn hen phế quản. Các bác sĩ khi tiếp người bệnh đã đưa ra khuyến cáo đầu tiên là việc điều trị dự phòng đầy đủ. Đặc biệt trong mùa Đông và nhất là với người già tiếp, việc xúc với khí lạnh đột ngột có thể kích phát cơn hen.
TS.BS. Phạm Huy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai hỏi thăm tình hình bệnh hen của bà Lê Thị Tuyết. |
Bà Lê Thị Tuyết, 57 tuổi, tại Thanh Oai, Hà Nội cho biết, bà bị hen từ năm 24 tuổi và khi được điều trị dự phòng bệnh đã đỡ nhiều. Bà thậm chí tự đi xe máy từ Thanh Oai tới buổi khám này.
“Trước đây không có điều kiện đi khám, tôi chỉ tự mua thuốc điều trị. Sau này được khám tư vấn và phát thuốc miễn phí tại đây nên bệnh đã đỡ hơn nhiều. Trong 4-5 năm qua, khi bệnh viện tổ chức khám và tư vấn miễn phí tôi đều ra khám”, bà Tuyết nói.
Thế giới khuyến cáo người bị bệnh hen nên đi khám ít nhất 3-4 lần/năm. Kể cả khi bệnh nhân điều trị dự phòng và kiểm soát hen tốt, cảm thấy mình đã như người bình thường, vẫn phải đi khám định kỳ 3-4 lần/năm. Mục đích khám là để bác sĩ đánh giá lại tình trạng chức năng phổi của bệnh nhân, trên cơ sở đó đánh giá mức độ kiểm soát hen để điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
TS.BS. Phạm Huy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo tác hại của bệnh hen mà nhiều người chưa mắc phải có thể xem nhẹ: “Người bệnh mỗi khi lên cơn hen sẽ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đêm sẽ không ngủ được vì những cơn hen phế quản thường xuất hiện về đêm. Đang ngủ sẽ phải bật dậy để dùng thuốc, gây mất ngủ mệt mỏi. Người bị bệnh hen sẽ không thể làm việc nặng nhọc. Những trường hợp nặng, bệnh nhân đang phải đi học có thể phải nghỉ học, đang phải đi làm có thể phải nghỉ việc”.
Chị Nguyễn Thu Hiền, ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội, một bệnh nhân hen lâu năm chia sẻ: “Mỗi khi thay đổi thời tiết, tôi bị khó thở và không làm được việc gì hay có làm gì cũng phải gắng sức nên rất mệt. Tôi đọc trên báo thấy thông tin và tới đăng ký khám. Các bác sĩ rất tận tình, chu đáo. Những người mắc hen tốt nhất phải đi khám định kỳ, để các bác sĩ có thể tư vấn thuốc điều trị dự phòng để kiểm soát hen. Nếu các cơn hen liên tục xuất hiện, sinh hoạt sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Trong 5 năm qua, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khám và tư vấn miễn phí hàng năm cho bệnh nhân hen. Trung bình mỗi năm, có khoảng 800-1.300 bệnh nhân đến khám.
Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 2 đợt khám, trong đó, đợt khám hồi tháng 5 vừa qua để hưởng ứng Ngày Hen toàn cầu.
Bệnh nhân tại buổi khám và tư vấn miễn phí hen phế quản. |
Theo ghi nhận của phóng viên, bệnh nhân đến khám chủ yếu là người cao tuổi. |
Bệnh hen dai dẳng và không loại trừ ai
Trên thế giới ước tính hiện có khoảng 300 triệu người mắc hen. Con số này đến năm 2025 là 400 triệu người. Mỗi năm thế giới có khoảng 250.000 người chết vì hen. Phần lớn con số này có thể phòng ngừa được nếu như bệnh nhân phát hiện bệnh hen sớm được điều trị đủ, điều trị đúng và điều trị kịp thời.
Theo kết quả điều tra năm 2010 đến hết 2011, tỷ lệ hen phế quản tại Việt Nam là trên 3,9%, khoảng 320.000 người mắc hen.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai Phạm Huy Thông, bệnh hen có thể phòng được nhưng không phải hoàn toàn, song có thể phòng nguyên nhân gây hen.
“Hen không phải là bệnh bẩm sinh, nhưng hen có liên quan đến yếu tố di truyền. Do đó một số gia đình nếu ông bà hoặc bố mẹ bị hen, trẻ con khi sinh ra cũng có thể bị hen. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen, nhưng nguyên nhân chính đó là dị nguyên. Trong đó, chia làm hai nhóm nhóm dị nguyên nhiễm khuẩn và dị nguyên vô khuẩn. Nhóm dị nguyên vô khuẩn có rất nhiều loại như bụi nhà, phấn hoa, lông động vật nuôi... Nhóm dị nguyên nhiễm khuẩn có thể là virus hoặc là vi khuẩn. Ngoài ra còn một số yếu tố gây bệnh như khói bụi công nghiệp, khói bụi đường phố, các loại hóa chất có mùi mạnh như hóa chất diệt côn trùng, thậm chí là nước hoa có mùi mạnh...”, bác sĩ Phạm Huy Thông cho biết.
Bệnh hen không loại trừ một ai. |
Các bệnh nhân được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng bình xịt thuốc. |
Bệnh nhân nhận thuốc sau khi khám. |
Về điều trị bệnh hen đối với trẻ em nhỏ tuổi, bệnh hen có thể ổn định trong giai đoạn tuổi thành niên. Theo đó, phần lớn những trẻ em bị hen khi đến tuổi vị thành niên bệnh ổn định và không phải dùng thuốc. Như vậy, nhóm này người ta coi như đã chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân có thể bị lại khi về già.
Với trẻ em, vẫn có một số rất nhỏ bị hen từ bé cho đến khi về già. Và có nhiều lý do có thể do đặc tính của bệnh hoặc do người bệnh không điều trị, để lên cơn hen nhiều khiến phế quản bị viêm nặng và không thể phục hồi.
Em Nguyễn Quanh Anh, 11 tuổi, ở Ngã Tư Sở, Hà Nội, bị hen từ năm 4 tuổi cho biết: “Con đi khám thường xuyên khoảng 3 tháng/lần. Con sử dụng bình xịt hen, trước đây bố mẹ giúp con xịt thuốc, nhưng bây giờ con đã tự sử dụng được. Giữa mùa Đông con thấy mệt hơn”.
Với các bệnh nhân hen người lớn, đến nay trên thế giới chưa có biện pháp nào để chữa bệnh triệt để. Hầu hết các bệnh nhân hen người lớn phải điều trị bằng cách kiểm soát hen, tức là sử dụng các loại thuốc để điều trị dự phòng hen để người bị bệnh vẫn có cuộc sống bình thường.
Nhưng khác với những người không bị hen người bị bệnh hàng ngày phải sử dụng thuốc điều trị dự phòng tùy theo mức độ nặng hay nhẹ./.