Lý giải nguyên nhân số ca mắc sởi gia tăng tại Hà Nội
VOV.VN - Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2019, Hà Nội ghi nhận hơn 1.105 mắc sởi, cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
76% ca mắc chưa tiêm chủng
Trao đổi với PV VOV.VN, PGS.TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, từ năm 2018 đã có nhận định bệnh sởi sẽ gia tăng trong năm 2019, với các nguyên nhân chính do tích lũy theo năm; xu hướng bệnh trên thế giới cũng gia tăng, như tại Mỹ và châu Âu do tỷ lệ tiêm chủng thấp vì phòng trào “anti vaccine”… Có những trường hợp trẻ chưa đủ tháng để tiêm vaccine bị mắc sởi là do miễn dịch của mẹ thấp vì nhiều bà mẹ tiêm chủng chưa đầy đủ hoặc không tiêm.
Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, số mắc sởi trên địa bàn Hà Nội đang có chiều hướng giảm, tuần cao nhất là 123 ca, hiện nay giảm xuống còn 79 ca. Diễn biến bệnh sởi tại Hà Nội là số ca mắc xuất hiện tản phát, đơn lẻ, không có sự lây lan không thành ổ dịch, chưa có trường hợp tử vong.
“Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm 100% với những người chưa miễn dịch (chưa tiêm vaccine và chưa nhiễm sởi), do đó khi tiếp xúc người bệnh sẽ bị nhiễm bệnh. Cuối năm 2018 đầu 2019, Hà Nội đã tiêm vét cho hơn nửa triệu trẻ từ 1-5 tuổi. Trong số này, tỷ lệ trẻ mắc sởi rất thấp so với nhóm khác, cho thấy hiệu quả của tiêm chủng rất rõ ràng”, ông Cảm nhận định.
Theo thống kê mới nhất do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cung cấp, trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận ổ dịch lớn, tập trung, mà rải rác tại 30/30 quận huyện với 363/584 xã phường. Người mắc bệnh ở nhiều lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở lứa tuổi trẻ dưới 9 tháng, trẻ trên 5 tuổi và người lớn, chiếm 76%, hầu hết chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP HCM nếu tỉ lệ tiêm chủng không đạt
Dự báo diễn biến bệnh sởi
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, bệnh sởi tiếp tục lưu hành trong thời gian tới với số mắc trung bình 70-80 trường hợp/tuần trên địa bàn thành phố. Mặc dù số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng nhưng các ca bệnh đều phân bố rải rác, chưa xuất hiện ổ dịch lớn, số mắc bệnh chiếm tỷ lệ lớn là chưa được tiêm chủng (dưới 9 tháng và trên 16 tuổi).
Hằng năm, vẫn có khoảng 3%-5%, tương đương 5.000-8.000 trẻ không được tiêm vaccine sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh sởi. Bên cạnh đó, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh đến các thành phố lớn sinh sống, học tập và làm việc nếu chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi, đây là nguy cơ lây lan virus sởi và gây dịch.
“Vấn đề chính là phải tiêm chủng tốt, để người dân luôn có sẵn “lá chắn phòng bệnh”. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, khi có kế hoạch mang thai cần phải tiêm chủng để tạo sức đề kháng cho thai nhi”, PGS.TS.BS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo.
Bệnh sởi có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2019, 170 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi với ít nhất 112.163 trường hợp mắc. Số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, đặc biệt tại châu Phi cao nhất tới 700%, so với cùng kỳ năm 2018.
Sự gia tăng số mắc sởi đã thành xu hướng rõ ràng trên phạm vi toàn cầu với các ổ dịch sởi tại nhiều quốc gia trong đó có cả Mỹ và các nước châu Âu.
Dịch sởi bùng phát ở Mỹ vì không tiêm chủng
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có 9 quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi, tuy nhiên trong năm 2019 đều đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi, trong đó có Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore…
Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo, việc e ngại sử dụng vaccine phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95% - 97%), song sởi vẫn là bệnh lưu hành.
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến hết tuần 15/2019 cả nước đã ghi nhận 17.432 trường hợp mắc Sốt phát ban nghi Sởi tại 63/63 tỉnh thành phố, trong đó, hai trường hợp tử vong tại Đăk Lăk và Hải Dương. Tại TP HCM đã ghi nhận hơn 4.360 ca mắc sởi./.
Tạo lá chắn phòng bệnh sởi
1. Chủ động đưa con em mình khi đủ 9 tháng tuổi, đủ 18 tháng tuổi đi tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, mũi 2 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi.
2. Phụ nữ chuẩn bị sinh con, người lớn, trẻ lớn chưa tiêm vaccine sởi cần chủ động đi tiêm vaccine phòng sởi tại các điểm tiêm chủng theo yêu cầu trên toàn thành phố.
3. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
4. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
5. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Châu Âu và Mỹ đang bước lùi về “kỷ nguyên đen tối” của dịch sởi
Dịch sởi bùng phát tại New Zealand