Phần 2: Đừng bỏ qua “Giờ vàng” của đột quỵ
(VOV) - Trong vòng 9 tiếng đồng hồ sau khi bị đột quỵ, nếu được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết sẽ hạn chế những di chứng.
Thời tiết nắng nóng và thay đổi đột ngột nên có rất nhiều người già bị đột quỵ, đặc biệt là người có tiền sử bị bệnh tim hay áp huyết cao. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân lại ít có kiến thức cũng như không biết cách sơ cứu ban đầu nên dẫn đến hậu quả về sau như: mất trí nhớ, bất thường về ngôn ngữ, liệt chi…
Mạch mãu não bị tắc nghẽn do huyết khối từ tim hoặc từ mảng xơ vữa. (ảnh minh họa, nguồn: Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai). |
Làm thế nào để sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ một cách tốt nhất? Phóng viên Báo Điện tử VOV phỏng vấn TS BS Mai Duy Tôn, Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai, một trong những chuyên gia đầu ngành và tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về đột qụy và tai biến mạch máu não tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
** Phóng viên: Thưa bác sĩ, có rất nhiều người chưa thực sự hiểu về đột quỵ, và khi bị đột quỵ, họ không biết xử ký kịp thời nên có thể bỏ lỡ mất “cơ hội vàng” trong chữa trị và để lại di chứng rất nặng về sau này. Vậy bác sĩ cho biết nên xử lý thế nào khi bệnh nhân bị đột quỵ?
TS BS Mai Duy Tôn: Khi một bệnh nhân đang khỏe mạnh bình thường mà đột ngột xuất hiện 1 trong 5 biểu hiện như sau: đột ngột mất thị lực, đặc biệt là xuất hiện ở một bên mắt; Đau đầu dữ dội (có thể nói đây là cơn đau nhất trong cuộc đời người bệnh) thì chúng ta nên nghi ngờ bệnh nhân đó khả năng bị đột quỵ não cấp. Khi đó, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất có chuyên môn sâu về điều trị đột quỵ, để được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Ở khu vực phía Bắc, có Bệnh viện Bạch Mai - nơi tiên phong trong việc điều trị bệnh Đột quỵ cấp. Ngoài ra, còn có các cơ sở khác như: Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Quân đội 108; Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa); Khoa Thần kinh (Bệnh viện Việt - Tiệp ở Hải Phòng).
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai việc chuyển giao các phương pháp điều trị chuyên sâu cho các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa, tỉnh Vĩnh Phúc và Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với việc đưa bệnh nhân vào các cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất, người nhà bệnh nhân cũng cần biết một số thao tác sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân. Chẳng hạn như: đặt bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, tốt nhất là đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên để phòng khi bệnh nhân nôn, tránh bị sặc ở phổi.
Thứ hai, không nên cho bệnh nhân dùng bất cứ một loại thuốc gì vì đôi khi bệnh nhân có thể sặc và gây suy hô hấp cấp. Lưu ý, chúng ta không dùng các biện pháp dân gian để sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân như: đánh gió hoặc trích máu đầu ngón tay, ngón chân, hoặc là cho sử dụng một số loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Điều quan trọng nhất, chúng ta phải nhanh chóng gọi xe cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân vào viện. Đó là cách xử trí ban đầu tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ não cấp.
** PV: Thưa bác sĩ, như bác sĩ đã đề cập ở trên là nên cho bệnh nhân vào viện sớm nhất có thể để được tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Vậy, xin bác sĩ cho biết về tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết và chi phí của loại thuốc này?
TS BS Mai Duy Tôn: Thuốc tiêu sợi huyết đã được sử dụng trên thế giới từ đầu những năm 2000 và ở Việt Nam áp dụng từ năm 2007 đến nay. Loại thuốc này chỉ dành cho những bệnh nhân bị tắc mạch máu não. Khi trong động mạch não có cục máu đông (cục máu đông do hình thành tại chỗ trong động mạch não hoặc từ tim bắn lên) sẽ làm cho động mạch trong não bị tắc, ngay lập tức làm giảm lưu thông máu, gây ra tổn thương vùng đại não. Khi thuốc tiêu sợi huyết được đưa vào bằng đường tĩnh mạch, nó sẽ làm tan cục máu đông, khơi thông dòng máu và cung cấp máu trở lại cho các vùng não đang bị thiếu máu. Chính vì thế, việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt vì khi đó, cục máu còn chưa kịp bám chắc vào thành mạch thì hiệu quả sử dụng thuốc sẽ cao hơn, khả năng hồi phục sau điều trị sẽ thành công hơn.
Để sử dụng hiệu quả loại thuốc này, một trong những tiêu chí quan trọng nhất là bệnh nhân phải đến Bệnh viện thật sớm. Hiện tại, biện pháp can thiệp tối ưu nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ cấp thường trong vòng 9 tiếng đồng hồ sau khi bị đột quỵ (khoảng thời gian này được gọi là “thời gian vàng”), quá 9 tiếng đồng hồ thì người bệnh sẽ không có các biện pháp tối ưu để điều trị và khi đó, khả năng hồi phục của bệnh nhân sẽ rất kém có thể sẽ để lại di chứng nặng nề.
Nói chung, điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là một trong những biện pháp tối ưu cho bệnh nhân bị đột quỵ, đặc biệt tốt trong vòng 4 đến 5 giờ sau khi bị đột quỵ.
Hiện tại, loại thuốc này đã được Bộ Y tế nhập về, và có trong danh mục bảo hiểm y tế. Những bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được miễn phí hoàn toàn tiền thuốc. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế thì phải trả chi phí cho 1 lọ thuốc loại này khoảng gần 11 triệu đồng và dùng 1 lọ duy nhất.
** PV: Thưa bác sĩ, biện pháp điều trị bằng loại thuốc này ở Việt Nam cho thấy hiệu quả như thế nào và nếu bệnh nhân bị bỏ qua khoảng “thời gian vàng” thì hướng điều trị sẽ thế nào?
TS BS Mai Duy Tôn: Khoa Tai biến mạch máu não (Bệnh viện 115 TP HCM) đã sử dụng loại thuốc này từ năm 2007 và Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) áp dụng năm 2008. Cho đến nay, qua các công trình nghiên cứu quốc tế cũng như các đề tài nghiên cứu cấp Bộ về việc sử dụng loại thuốc này đều cho thấy, thuốc tiêu sợi huyết mang lại hiệu quả rất tốt đối với những bệnh nhân được điều trị trong khoảng “thời gian vàng”. Có tới gần 50% bệnh nhân được điều trị bằng loại thuốc này đã hồi phục gần như hoàn toàn, khả năng bị tàn phế đã giảm tới gần 50%.
Nếu bệnh nhân đã bỏ qua khoảng “thời gian vàng”, cơ hội phục hồi cho bệnh nhân thường là không còn nhiều. Trong trường hợp này, ở bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể điều trị theo một hướng dẫn chung về phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Chính vì thế, theo tôi nghĩ khi chúng ta đã bỏ qua khoảng “thời gian vàng” thì có thể đưa bệnh nhân đến bất kỳ cơ sở y tế nào, kể cả ở các tuyến địa phương, kết quả điều trị sẽ không thay đổi nhiều so với tuyến Trung ương.
** PV: Vì khoảng “thời gian vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Vậy, việc điều trị bệnh Đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai được tiến hành như thế nào cho kịp thời?
TS BS Mai Duy Tôn: Tại Bệnh viện Bạch Mai, cụ thể là tại Khoa Cấp cứu A9, chúng tôi cũng dán các tấm panô tuyên truyền về bệnh Đột quỵ cho mọi người biết để khi người thân bị đột quỵ não thì phải nhanh chóng đưa vào Khoa Cấp cứu. Ngoài ra, chúng tôi đã đào tạo và phối hợp với Trung tâm vận chuyển cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu 115 để khi có bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ thì ngay lập tức, Trung tâm cấp cứu kết nối thông tin với Khoa Cấp cứu để chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ một cách nhanh và hiệu quả nhất. Khi bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu, các y, bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về đột quỵ sẽ nhanh chóng có những nhận biết sớm tình trạng bệnh nhân để xử lý sớm nhất. Chúng tôi khởi động dây chuyền để đánh giá, xét nghiệm, chụp hình ảnh cho bệnh nhân, để làm sao đánh giá tình trạng bệnh nhân một cách nhanh nhất, chính xác nhất, đưa ra chỉ định điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Quy trình này ở Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), từ lúc bệnh nhân vào viện đến lúc dùng thuốc chỉ khoảng 35 – 40 phút.
** PV: Xin cảm ơn bác sĩ!.