Tâm sự của một người bị nhiễm Ebola và may mắn sống sót
"Khoảng thời gian ngắn trong bệnh viện thực sự làm chúng tôi thay đổi. Tôi cảm thấy may mắn và rất vui khi mình còn sống", một người sống sót cho biết.
"Các triệu chứng bắt đầu bằng đau đầu, tiêu chảy, đau lưng và nôn”, một người sống sót ở Guinea – một trong bốn quốc gia Châu Phi bị đại dịch Ebola tấn công nặng nhất và là nơi đầu tiên được ghi nhận bùng phát dịch hồi tháng 2/2014 đã kể với Newsday của BBC.
Người đó kể rằng: “Bác sĩ đầu tiên tôi gặp tại một trung tâm y tế thôn bản nói chỉ là sốt rét. Đấy là lúc tôi được đưa đến một đơn vị đặc biệt trong bệnh viện ở Thủ đô Conakry (Guinea) nơi người ta bảo tôi đã nhiễm virus Ebola.
Tôi cảm thấy thực sự thất vọng. Trước đó, tôi từng nghe nói về Ebola. Vì thế, khi các bác sĩ nói, tôi rất sợ.
Đã có 5 nước công bố dịch Ebola. (ảnh: KT)
Các bác sỹ đến từ tổ chức từ thiện Thầy thuốc Không Biên giới (MSF) đã đến an ủi và hỗ trợ tôi về tinh thần. Tôi cố gắng lạc quan mặc dù tôi sợ hãi khi nhìn thấy một số thân nhân của mình chết ngay trước mắt.
Có những lúc tôi nghĩ mình không thể qua khỏi khi hai bác tôi chết và người ta mang xác họ đi.
Đêm đó không ai trong chúng tôi ngủ được. Chúng tôi nghĩ có lẽ không sống nổi đến sáng hôm sau.
Một số bác sỹ của MSF đến thu và bọc các thi hài rồi phun thuốc khử trùng chỗ có người chết. Tất cả các việc ấy diễn ra trước mắt chúng tôi.
Không lâu sau khi nhập viện để điều trị, tôi bắt đầu cảm thấy dần dần khá hơn”.
“Bắt tay tôi”
Anh kể tiếp: “Lúc đầu, tôi sợ ăn do lo bị nôn, cứ ăn vào là nôn. Nhưng sau đó tôi nhấp vài giọt nước và nhận thấy ổn. Tiêu chảy ít dần và cuối cùng dừng hẳn.
Bệnh do virus ebola
- Các triệu chứng bao gồm sốt cao, cháy máu và hủy hoại hệ thần kinh trung ương.
- Tỷ lệ tử vong hiện ở mức 55% nhưng có thể lên đến 90%.
- Giai đoạn ủ bệnh dao động từ hai đến 21 ngày.
- Chưa có vaccine hay liệu pháp chữa trị.
- Điều trị tích cực như tiếp nước cho bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn có thể giúp hồi phục.
- Loài dơi ăn quả được xem là vật chủ làm phát tán virus Ebola.
Các bác sỹ đến thăm và hỏi tôi gần một ngày. Khi tất cả các câu trả lời của tôi là “không, các bác sĩ tỏ ra hài lòng còn tôi thì nhận ra rằng mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đấy là cảm giác rất mạnh đối với tôi. Và thật tuyệt vời khi tôi bước chân ra khỏi bệnh viện. Tôi cảm ơn các bác sĩ, tất cả các y tá, và những người đang chờ đón tôi.
Họ chụp ảnh tôi, bắt tay tôi. Tôi thấy họ cảm thấy an toàn khi bắt tay tôi và tôi nhận ra mình đã đỡ hơn. Hôm đó tôi thực sự hạnh phúc. Giờ tôi cảm thấy ổn dù thỉnh thoảng vẫn đau ở các khớp.
Tôi không muốn xuất hiện trên báo chí. Nhiều người biết tôi mắc bệnh nhưng nhiều người khác chưa biết. Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng khó khăn và mọi người sợ hãi chúng tôi.
Bạn chắc biết về tình làng nghĩa xóm của người Châu Phi. Thông thường, khi ai đó qua đời, xóm làng sẽ đến thăm anh. Nhưng khi chúng tôi mất hai, ba và bốn thành viên trong gia đình, không ai đến thăm chúng tôi nữa và chúng tôi nhận ra mình đã bị xa lánh vì nỗi sợ hãi.
Sẽ tồi tệ hơn nếu mọi người nghe thấy tình trạng của anh trên đài hoặc truyền hình.
Ngay cả những người gần gũi với chúng tôi, hàng xóm và thân quyến, cũng tỏ ra hoài nghi khi họ đề cập đến chúng tôi.
Lập tức, những người khác lui lại hai ba bước vì sợ nhiễm virus. Mọi người được thông tin rất ít về bệnh.
Chúng tôi rất sốc về những cái chết của thân quyến nhưng cũng được an ủi phần nào khi không phải tất cả chúng tôi đều qua đời. Thật là thảm họa nếu tất cả chúng tôi bị quật ngã.
Đây là một bài học về tinh thần và nó làm thay đổi cách tôi nhìn nhận về cuộc sống.
Khoảng thời gian ngắn trong bệnh viện thực sự làm chúng tôi thay đổi. Tôi cảm thấy may mắn. Tôi cảm thấy rất vui khi mình còn sống"./.