Ghi nhận 128 người từ vùng có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam
VOV.VN -Hiện nay, 128 người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện nghi nhiễm virus Ebola.
“Tính từ ngày 11-26/8/2014 đã ghi nhận 128 người đi từ các quốc gia có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam”- đó là thông tin do ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại cuộc họp báo Bộ Y tế sáng nay (28/8) tại Hà Nội.
Theo ông Trần Đắc Phu, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người nhập cảnh vào Việt Nam chủ yếu tại sân bay Tân Sơn Nhất (124/128 người) và sân bay Nội Bài (4/128) người bao gồm 30 người là công dân Việt Nam trở về từ Liberia, 98 người Nigeria. Tất cả các cửa khẩu khác chưa ghi nhận có trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch. Hiện nay, chỉ có 1/128 trường hợp đã qua 21 ngày đi từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam.
Kết quả giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch về đã phát hiện 2 công dân Nigeria nhập cảnh vào ngày 19/8/2014 có biểu hiện sốt tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Y tế đã tổ chức cách ly tạm thời, theo dõi và chăm sóc sức khỏe theo quy định. Sau một ngày theo dõi, sức khỏe các hành khách trên ổn định, không có biểu hiện liên quan đến bệnh do virus Ebola. Bộ Y tế đã thảo luận với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (USCDC) thống nhất chuyển sang giám sát tại nơi cư trú.
Ông Nguyễn Đắc Phu nhấn mạnh: “Bộ Y tế thường xuyên liên hệ với người nhập cảnh để theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe của họ. Đến nay, toàn bộ 128 trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch nêu trên chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện các triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola”.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, số lượng công dân Việt Nam tại các quốc gia có dịch Ebola không nhiều. Cụ thể: tại Nigeria có 12 người (không bao gồm cán bộ Đại sứ quán); Sierra Leone có khoảng 24 người; Guinea có khoảng 60-70 người; Liberia có 20 công dân Việt Nam lao động tự do tại đây (đã trở về nước 10 người từ 22/8/2014). Theo đánh giá của Cục y tế dự phòng, số liệu này chưa được thống kê đầy đủ do gặp khó khăn trong việc kiểm soát người Việt Nam đang sinh sống và lao động tự do tại các nước trên.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định thêm, tính đến thời điểm hiện nay, chưa ghi nhận công dân Việt Nam nhiễm virus Ebola tại các nước trên. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tại các nước đang có dịch thường xuyên liên lạc với đại diện công dân Việt Nam ở các nước, đồng thời cung cấp thông tin về phòng chống dịch bệnh, cập nhật tình hình, nỗ lực cùng công dân Việt Nam trong phòng tránh dịch bệnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Ebola tại các nước vùng Châu Phi, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu, cũng như theo dõi tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong, lây nhiễm cho cán bộ y tế và lây lan trong cộng đồng. Ngành y tế cũng đang rà soát về nhân lực, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch và xây dựng danh mục dự trữ ngành y tế để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh khi xảy ra; Xây dựng mới hoặc sửa đổi những văn bản hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật hiện hành cho phù hợp với diễn biến mới của bệnh do virus Ebola…
Hiện nay, bệnh do virus Ebola tiếp tục tăng mạnh tại 4 quốc gia vùng Tây Phi gồm: Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 20/8, ghi nhận tổng cộng 2.615 trường hợp mắc, trong đó có 1.427 trường hợp tử vong; ghi nhận hơn 225 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, trong đó gần 130 người đã tử vong. Ngoài ra còn ghi nhận 1 bệnh nhân Tây Ban Nha đã tử vong, 2 bác sỹ người Mỹ mắc bệnh.
Ngày 26/8, Cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế thông báo Cộng hòa Dân chủ Congo ghi nhận 24 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có 13 trường hợp tử vong và đã xác định được 4 mẫu dương tính với virus Ebola. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy những trường hợp mắc đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo có liên quan tới việc lây truyền từ động vật sang người trong quá trình chế biến thịt thú rừng và sau đó người này lây lan cho những người trong gia đình và những người xung quanh./.