Tăng hiến giác mạc sẽ giảm cảnh mù lòa!
VOV.VN - BS Nguyễn Văn Thành khẳng định tại lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của cô gái hiến giác mạc Nguyễn Thị Nga (Tứ Kỳ, Hải Dương).
Theo chân đoàn bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi đến thăm gia đình bà Vũ Thị Dụ, mẹ của cô gái Nguyễn Thị Nga (thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), người đầu tiên của tỉnh Hải Dương hiến tặng giác mạc. Nga vốn bị liệt 10 năm, sau khi qua đời ở tuổi 27 hồi tháng 2 vừa qua, đã hiến giác mạc cho Ngân hàng mắt, giúp người mù tìm lại ánh sáng.
Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, rộng chừng 20m2, bà Vũ Thị Dụ cố gắng nén nỗi đau để kể về cô con gái xấu số của mình. Nhưng rồi ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ huyện Tứ Kỳ phải đỡ lời, kể: Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ Nga đã chăm ngoan, học giỏi, luôn biết lắng nghe và thương bố mẹ vất vả. Hồi nhỏ Nga phát triển bình thường, khi học lên cấp 2, em bắt đầu có biểu hiện tê chân. Những giờ tập thể dục trở nên rất khó khăn với em. Càng về sau, đôi chân của em càng không thể bước đi được. Sức khỏe của Nga bị suy giảm nhanh, những cơn đau bắt đầu xuất hiện.
Cô gái Nguyễn Thị Nga (bìa phải) |
Hết lớp 9, vì những cơn đau liên tục và đôi chân không thể đi đến trường được nữa, Nga đã phải xin nghỉ học để chữa bệnh. Nga bị u tủy sống. Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh khá hiếm gặp và buộc phải phẫu thuật. Nhưng trớ trêu ở chỗ, nếu phẫu thuật thì tỷ lệ Nga bị liệt đến 90%, mà nếu không phẫu thuật cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, gia đình đã quyết định phẫu thuật cho em với một hy vọng mong manh là sẽ thành công và em sẽ có cơ hội trở lại ngôi trường thân yêu như bao bạn bè khác.
Nhưng số phận đã không mỉm cười với Nga. Sau lần phẫu thuật đó, Nga bị liệt hoàn toàn, phải nằm một chỗ với những cơn đau, co giật xảy ra nhiều lần trong ngày…Từ đó, gia đình Nga trở thành hộ nghèo của địa phương, nhận trợ cấp hằng tháng dành cho người tàn tật. Cuối năm 2013, gia đình Nga đã được chính quyền, Hội Chữ thập Đỏ, các tổ chức và nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng cho một gian nhà “Mái ấm tình thương”. Thế nhưng, Nga cũng không được ở lâu trong căn nhà đó. Bệnh tật, những cơn đau hành hạ khiến Nga, từ một cô gái có vóc người đầy đặn, mái tóc dài đen óng mượt... đã trở nên gầy yếu, cân nặng chỉ còn chừng 20 kg, tóc rụng trơ trụi. Rồi, Nga đã mãi mãi ra đi từ 21/2/2014, sau hơn 10 năm nằm liệt.
Nhớ lại những lúc chứng kiến con gái bị những cơn đau hành hạ, bà Dụ nghẹn giọng kể: “Thấy con đau đớn, là mẹ tôi không thể cầm lòng. Nhiều lúc quẫn quá, tôi muốn lấy dây điện buộc hai mẹ con lại và cắm điện để nó giật chết cho xong. Nhưng con bé lại khuyên ngăn tôi không được làm như vậy. Nó bảo: Dù đau đớn về thể xác, nhưng không được đầu hàng số phận”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương trao tặng bằng khen cho gia đình của chị Nguyễn Thị Nga tại lễ tôn vinh |
Bà Dụ còn cho biết, dù đau bệnh, Nga vẫn luôn yêu đời. “Có lẽ nhờ nó thường xuyên nghe chương trình “Bạn hãy nói với chúng tôi” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nó đã tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc sống. Cái đài trở thành bạn thân thiết nhất của nó từ lâu. Cũng nhờ nghe đài, nó biết được ý nghĩa của việc hiến giác mạc nên đã tự nguyện đăng ký. Lúc đầu, gia đình tôi phản đối kịch liệt, nhưng nghe nó giải thích, thuyết phục nên gia đình thuận tâm nguyện của con”- bà Dụ kể.
Bởi theo giải thích của Nga khi còn sống rằng, “trong xã hội không hiếm người mang bệnh hiểm nghèo như con. Trước khi chết, nhiều người đã tự nguyện hiến nội tạng, giác mạc của họ cho bệnh nhân hoặc để phục vụ nghiên cứu khoa học. Một việc làm thật có ý nghĩa và bản thân con cũng mong muốn sẽ làm được như vậy. Khi con hiến giác mạc của mình thì con đã giúp được ai đó bị mù có thể nhìn thấy…”, bà Dụ nhớ lại.
Trong khi nhiều người còn băn khoăn, chưa hiểu biết về hiến giác mạc thì hành động tự nguyện đăng ký hiến giác mạc của Nga thật đáng biểu dương và khâm phục. Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương nói: “Nghĩa cử cao đẹp của chị Nga và gia đình luôn được bệnh viện Mắt Trung ương, ngành Y tế và toàn thể xã hội ghi nhận, trân trọng và coi đây như món quà vô giá để lại cho những người còn sống. Ngày càng nhiều người tình nguyện hiến giác mạc, số người phải sống cảnh mù lòa sẽ giảm đi”.
Người xưa thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Hiện nay, ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa nếu không có giác mạc để thay thế, trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Việc làm của cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Nga thật đáng trân trọng! Rời căn nhà nhỏ của gia đình Nga, tất cả chúng tôi đều cầu mong linh hồn em được siêu thoát nơi chín suối./.
Ngày 10/5, Bệnh viện Mắt Trung ương và Hội Chữ thập Đỏ huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đã tổ chức Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của chị Nguyễn Thị Nga - người hiến giác mạc và vận động hiến tặng giác mạc tại thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ.
Phong trào vận động người hiến tặng giác mạc ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 2007 và đang tiếp tục được lan tỏa, ngày càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có 210 người tại 13 tỉnh thành đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Chị Nguyễn Thị Nga, 27 tuổi (trú tại khu An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ) là người đầu tiên của tỉnh Hải Dương tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Ngày 21/2/2014 vừa qua, Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận hai giác mạc của chị Nguyễn Thị Nga hiến tặng và tiến hành ghép thành công, mang lại ánh sáng cho hai người bị mù do bệnh giác mạc.
Cũng tại buổi lễ tôn vinh, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tổ chức khám mắt và cấp thuốc miễn phí cho 500 người mắc bệnh lý về mắt tại thị trấn Tứ Kỳ./.