Thực phẩm và bệnh gout

Bệnh gout dễ xảy ra ở những người có nồng độ acid uric tăng.  

Bệnh gout (tiếng Anh là gout, gọi theo âm Hán - Việt là thống phong), hay viêm khớp do gout, là một dạng viêm khớp được đặc trưng bởi cơn đau khớp dữ dội và đột ngột, kèm theo đó là sưng đỏ khớp.

Gout là một bệnh khớp phổ biến ở đàn ông trung niên, do khớp bị lắng đọng các tinh thể muối urate trong ổ khớp và các tổ chức quanh khớp. Dù gặp ở đàn ông nhiều hơn, nhưng phụ nữ sau mãn kinh cũng có thể bị bệnh này. Rất may, bệnh gout có thể khỏi hẳn nếu được điều trị đúng. Hơn nữa, gout là một bệnh có thể được dự phòng.

Triệu chứng

Gout hầu như luôn biểu hiện cấp tính, xảy ra một cách đột ngột, thường là vào lúc nửa đêm và không có dấu hiệu báo trước. Các triệu chứng thường gặp là:

- Đau khớp dữ dội, thườn xảy ra ở khớp ngón chân cái nhưng các khớp khác cũng có thể bị là khớp bàn chân, cổ chân, bàn tay và cổ tay. Nếu không được điều trị, đau có thể kéo dài 5 – 10 ngày rồi tự mất đi. Khó chịu lui dần trong 1 – 2 tuần, khớp trở lại bình thường.

- Viêm và đỏ khớp. Khớp bị ảnh hưởng bị sưng đỏ, đau khi sờ vào.

Nguy cơ

Bệnh gout dễ xảy ra ở những người có nồng độ acid uric tăng. Một số yếu tố có thể làm tăng nồng độ acid uric gồm:

- Ăn nhiều chất đạm động vật (đặc biệt là tôm, cua) cùng với uống nhiều bia rượu.

- Gia tăng nguy cơ bị bệnh gout khi mắc một số bệnh nội khoa như: Tăng huyết áp không được điều trị, đái tháo đường, tăng lipid máu và xơ vữa động mạch.

- Ngoài ra, một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh gout là thuốc lợi tiểu nhóm thiazide (thường được sử dụng điều trị tăng huyết áp) và dùng aspirin liều thấp kéo dài. Các thuốc khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị gout là: Pyrazinamide (dùng trong điều trị bệnh lao), cyclosporine (được sử dụng ở những người được ghép tạng với mục đích chống thải ghép), một số thuốc điều trị ung thư.

- Tiền sử gia đình bị gout. Nếu trong gia đình (cha mẹ, anh em…) có người bị gout thì những người còn lại có thể cũng dễ bị bệnh này. Bệnh nhân bị bệnh gout có thể bị những tình trạng nặng nề hơn như: Sỏi thận, bệnh tái đi tái lại vài lần trong năm và tiến triển với biểu hiện của sự lắng đọng tinh thể urate dưới dạng nốt ở dưới da được gọi là nốt tophi.

Chế độ ăn uống

Có thể phòng tránh được bệnh gout. Khi bệnh nhân nhận thức rằng ăn uống không khoa học là một yếu tố thúc đẩy làm xuất hiện bệnh và làm bệnh tái phát, vì vậy cần phải hạn chế ăn nhậu quá mức.

Các nguyên tắc vệ sinh ăn uống đối với bệnh nhân gout là chế độ ăn giảm đạm, giảm mỡ, giảm cân nếu béo phì và uống nhiều nước, đặc biệt là nước khoáng kiềm. Do vậy bệnh nhân gout cần tuân thủ chế độ ăn kiêng:

-          Lượng thịt ăn hàng ngày không nên quá 150g, đặc biệt cần tránh ăn phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi…), các loại thịt đỏ (thịt trâu, bò, chó, dê), các loại hải sản (tôm, cua, cá béo). Có thể ăn trứng, sữa, phomat, thịt trắng như thịt gia cầm, cá nạc.

-          Nên ăn thêm ngũ cốc, bánh mì trắng.

-          Ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ, hoa quả.

-          Cần tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua, uống nước chanh… vì chính những chất chua lại làm bệnh nặng hơn.

-          Về các đồ uống: Bệnh nhân cần bỏ rượu, thậm chí cả rượu vang, rượu thuốc; cần tích cực uống nhiều nước; 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt là nên uống nước khoáng kiềm để tăng cường thải tiết acid uric qua nước tiểu. Bệnh nhân gout cần có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất như: Lạnh, lao động quá sức, chấn thương, stress… Ngoài ra, bệnh nhân gout cần tránh dùng một số loại thuốc có thể làm tăng acid uric máu như các thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin.

-          Một số loại trái cây rất có ích cho người bị gout là:

+ Dứa: Giúp làm giảm đau và ngăn chặn cơn viêm khớp cấp do gout. Tác dụng của dứa là do trong nó có một men được gọi là bromelain. Men này cũng làm giảm sưng. Dứa cũng chứa nhiều kali, acid folic; kali giúp thải acid uric ra khỏi cơ thể; acid folic là vitamin nhóm B, giúp sửa chữa các sẹo của mô bị tổn thương trong cơn gout cấp. Với người bị gout, dứa có thể được sử dụng như thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng nếu đang bị viêm loét dạ dày tá tràng. Cũng vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn đang sử dụng dài hạn aspirin, clopidogrel hay warfarin.

+ Dâu tây: Giúp làm giảm tình trạng viêm do nó có chứa nhiều vitamin C so với các trái cây khác. Dâu tây cũng có chứa chất quecritin giúp làm giảm sưng.

+ Blueberry: Tiếng Việt gọi là việt quất, có nhiều ở xứ lạnh như Bắc Mỹ, châu Âu, Australia, New Zealand. Blueberry là thứ trái cây tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho người bị gout. Blueberry có hoạt tính kháng viêm là do có hoạt chất được gọi là anthocyanin. Nó còn có hoạt tính làm giảm acid uric máu. Không chỉ giúp ích trong gout, anthocyanin còn có hoạt tính chống oxy hoá có lợi ích cho sức khoẻ tim mạch, phòng ngừa ung thư.

+ Nho: Chứa một lướng lớn anthocyanin.

+ Chuối, bưởi: Có rất nhiều kali, một chất quan trọng trong việc điều trị gout. Kali cũng giúp thận thải tinh thể urate qua nước tiểu. Bên cạnh đó, bưởi cũng có nhiều vitamin C giúp làm giảm tình trạng viêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên