10 ngày chiến sự “Nagorno-Karabakh” – Quốc tế “loay hoay” tìm kiếm đối thoại
VOV.VN - Bước sang ngày thứ 10, giao tranh tại khu vực tranh Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan vẫn diễn ra ác liệt, bất chấp việc các bên tham chiến đã lên tiếng cho một khả năng đối thoại.
Trong khi đó, ngoài việc “kêu gọi hai bên ngừng bắn”, cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra loay hoay trong việc tìm hướng giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp – vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ này.
Hôm qua (6/10), các cuộc giao tranh tại Nagorno-Karabakh đã khiến 21 quân nhân người Armenia thiệt mạng, nâng tổng số quân tử trận của vùng lãnh thổ này lên thành 244 người, tính từ khi xung đột bùng phát ngày 27/9.
Cùng ngày, Azerbaijan cáo buộc Armenia tấn công tên lửa nhằm vào khu vực ngay sát đường ống dẫn dầu giữa Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, phía Armenia đã bác bỏ lời cáo buộc này, khẳng định các cơ sở hạ tầng dầu mỏ không phải là mục tiêu của nước này. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia vẫn nhấn mạnh, bất kỳ nơi nào là “khởi nguồn” cho các vụ tấn công vào Nagorno-Karabakh đều sẽ bị phá hủy.
10 ngày trôi qua, các cuộc giao tranh giữa hai bên là không ngừng nghỉ, thương vong không ngừng gia tăng, bất chấp các lời kêu gọi ngừng bắn liên tục từ quốc tế.
Hôm qua, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và người đồng cấp Canada François-Phillippe Champagne tiếp tục bày tỏ quan ngại về các vụ pháo kích vào các khu vực dân sự, đồng thời nhắc lại sự cấp bách của việc ngừng bắn. Trong khi, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định, nước này đang nỗ lực tìm giải pháp ngăn “ngọn lửa” chiến tranh giữa các bên.
“Đã có 1 tuyên bố chung kêu gọi các bên ngừng bắn của 3 Tổng thống Nga, Mỹ và Pháp. Cùng với đó, các cuộc điện đàm ở cấp cao nhất của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về tình hình Nagorno-Karabakh đang cho thấy nỗ lực của Nga trong việc ngăn các bên trong xung đột giao tranh để bắt đầu vào 1 quá trình đối thoại”.
Tuyên bố phía Nga được đưa ra sau khi Người đứng đầu Bộ phận tình báo nước ngoài của nước này cho rằng, xung đột Nagorno-Karabakh đang thu hút hàng nghìn phần tử quá khích Hồi giáo và điều này đặt ra mối đe dọa an ninh đối với Moscow. Giới chuyên gia dự báo, vì lý do đó cùng như các thỏa thuận hợp tác an ninh với Armenia; Nga có khả năng sẽ can dự sâu hơn vào tình hình khu vực này trong thời gian tới.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế “ra sức” kêu gọi các bên ngừng bắn, thì Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ “hết mình” cho phía Azerbaijan lại chỉ trích sự bất lực trong 30 năm qua của quốc tế trong việc giải quyết tranh Nagorno-Karabakh.
Hôm qua, trong chuyến thăm Azerbaijan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu khẳng định, một lệnh ngừng bắn hiện nay cho các bên là không đủ: “Chúng tôi đã thấy các lời kêu gọi đến từ khắp nơi trên thế giới - đó là “ngừng bắn ngay lập tức”. Nhưng sau đó thì sao. Đã từng có một lệnh ngừng bắn kéo dài, rồi Armenia lại tấn công Azerbaijan và đã có sự đáp trả lẫn nhau. Tháng 9 vừa qua, Armenia lại một lần nữa tấn công. Các bạn có thể đưa ra giải pháp rút quân? - câu trả lời là không”.
Việc Armenia rút quân khỏi Nagorno-Karabakh là điều kiện tiên quyết mà phía Azerbaijan đưa ra để ngừng bắn; đồng thời cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nên được tham gia vào tiến trình đối thoại giữa các bên.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ nhất định phải tham gia vào bất kỳ tiến trình hòa bình sắp tới nào liên quan đến Nagorno-Karabakh. Một tiến trình hòa bình chắc chắn sẽ được bắt đầu. Nó nên diễn ra càng sớm càng tốt, bởi các cuộc đụng độ sẽ không thể diễn ra mãi mãi. Đây là quan điểm của Azerbaijan.”
Cánh cửa đối thoại giữa Azerbaijan và Armenia cũng đang mở ra khi ngày hôm qua (6/10), Thủ tướng Armenia Pashinyan khẳng định, xung đột cần được giải quyết trên cơ sở nhượng bộ lẫn nhau. Hiện Armenia đã sẵn sàng cho những nhượng bộ nếu phía Azerbaijan làm điều tương tự./.