30.000 người tham gia đại biểu tình tại Hy Lạp
VOV.VN - Hàng chục nghìn công nhân Hy Lạp ngày 14/12 đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Athens và nhiều khu vực khác trên cả nước.
Cuộc đại biểu tình kéo dài 24 giờ do nghiệp đoàn viên chức ADEDY và nghiệp đoàn của người lao động lĩnh vực tư nhân GSEE tổ chức đã thu hút khoảng 30.000 người tham gia.
Công nhân Hy Lạp xuống đường biểu tình. Ảnh: Reuters
Tại thủ đô Athens, người biểu tình đã tràn xuống các tuyến đường bày tỏ sự bất bình với thỏa thuận mới đạt được giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế. Họ không giấu sự thất vọng khi tình hình kinh tế và việc làm tại Hy Lạp không được cải thiện, trong khi, các chủ nợ không có thiện chí giải ngân các khoản vay.
Sự giận giữ của người lao động Hy Lạp không phải là không có căn cứ. Vì thực tế, tình hình Hy Lạp những năm qua cho thấy, dù nhận được viện trợ song người dân nước này phải đối mặt với những tiêu chuẩn và điều kiện sống còn thấp hơn. Những ảnh hưởng tiêu cực và rõ ràng nhất là việc giảm lương và lương hưu. Đặc biệt là viễn cảnh ảm đạm của thị trường việc làm cũng như cơ hội việc làm cho giới trẻ Hy Lạp.
Cuộc tổng đình công tại Hy Lạp đã làm gián đoạn các dịch vụ công cộng trên cả nước. Nhiều trường học phải đóng cửa, tàu thuyền không thể rời bến và các chuyến bay bị hủy. Giao thông bị đình trệ ảnh hưởng tới dịch vụ cấp cứu của các bệnh viện...
Đầu tháng 5, Chính phủ Hy Lạp tiếp tục đạt thỏa thuận về những biện pháp thắt chặt kinh tế với các chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Thỏa thuận này bao gồm cải cách lao động, năng lượng, cắt giảm quỹ hưu trí và tăng thuế.
Giới chức Hy Lạp tin tưởng thỏa thuận sẽ cho phép Hy Lạp đảm bảo các biện pháp giảm nhẹ nợ, điều thiết yếu đối với sự phục hồi của nền kinh tế vẫn khó khăn trong khủng hoảng này. Tuy nhiên, với người dân Xứ sở thần thoại thì một tương lai chật vật đang ở trước mắt, khi mà 8 năm thắt chặt kinh tế để đổi lại các khoản vay đã khiến đời sống của họ kiệt quệ.
Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế trong bối cảnh người dân trong nước đã không còn đủ kiên nhẫn với những lời hứa hẹn về cải thiện tình hình tài chính, thay vào đó cái mà họ nhận được là tiếp tục các biện pháp cải cách và thắt chặt chi tiêu.
Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền cách đây 2 năm với cam kết chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã kéo dài nhiều năm qua, song đến nay lời hứa này vẫn chưa thành hiện thực./.
Hy Lạp: Một năm cầm quyền gian truân của đảng cánh tả