Ai Cập trước nguy cơ nội chiến
VOV.VN - Nhiều phần tử Hồi giáo đã xuống đường để phản đối việc chính phủ lâm thời coi tổ chức Anh em Hồi giáo là khủng bố.
Tình hình tại Ai Cập hết sức căng thẳng kể từ khi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ ngày 3/7 vừa qua. Nay quốc gia Bắc Phi này lại càng chìm sâu vào khủng hoảng sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào một trụ sở cảnh sát ở thành phố Mansoura, bang Nile Delta, làm 16 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương.
Cùng với đó là việc Chính phủ Ai Cập chính thức tuyên bố phong trào Anh em Hồi giáo của Tổng thống Morsi là một tổ chức khủng bố, đồng thời cấm mọi hoạt động của nhóm này càng làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng. Theo các nhà phân tích, Ai Cập đang đứng trước nguy cơ nội chiến.
Hôm qua (27/12), sau lễ cầu nguyện buổi trưa thứ 6 của người Hồi giáo, nhiều người Hồi giáo đã đổ xuống các đường phố của nước này nhằm phản đối tuyên bố ngày 25/12 của Chính phủ lâm thời Ai Cập coi Tổ chức Anh em Hồi giáo là tổ chức khủng bố.
Các cuộc đụng độ nổ ra giữa người dân địa phương, cảnh sát và những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 87 người bị thương. Lực lượng an ninh đã bắt giữ tổng cộng 265 người biểu tình, trong đó có 28 phụ nữ. Ba xe cảnh sát đã bị những người biểu tình đốt cháy.
Không phải đến những ngày cuối năm nay, Ai Cập mới lâm vào khủng hoảng, mà Ai Cập đã bất ổn ngay từ những ngày đầu năm 2013, với sự căng thẳng và phân cực ngày càng rõ nét giữa một bên là Tổng thống Mohamed Morsi, phe Hồi giáo cầm quyền và một bên là phe đối lập với thành phần quy tụ các chính đảng tự do và cánh tả.
Bất ổn gia tăng không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Kim Tự Tháp mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và hình ảnh của Ai Cập trên trường quốc tế. Nhiều người dân Ai Cập cho biết họ đã ý thức rõ cái giá quá đắt của bạo loạn và mong muốn nhanh chóng thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay.
Một người dân Ai Cập nói: “Tôi không ủng hộ ai, kể cả Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như các tổ chức chính trị khác trong xã hội. Tôi chỉ muốn bày tỏ quan điểm của mình, đó là chúng tôi muốn sống trong tự do, hòa bình và dân chủ.”
Theo các nhà phân tích, tình hình bất ổn tại Ai Cập nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Anh em Hồi giáp vừa bị chính phủ cấm hoạt động, coi là “tổ chức khủng bố” và chính thức bị gạt khỏi tiến trình chính trị ở Ai Cập. Nếu không có chính sách tốt để hòa giải dân tộc, Ai Cập sẽ phải đối mặt với nguy cơ nội chiến./.