Australia bắt giữ người phụ nữ gốc Việt nghi nhét kim vào dâu tây
VOV.VN - Cảnh sát Queensland vừa bắt giữ một người phụ nữ gốc Việt vì tội nhét kim vào dâu tây, gây nên sự hoang mang khắp Australia.
Một người phụ nữ từng làm việc ở một nông trại dâu tây tại Queensland đã bị bắt giữ ngày 11/11 khi cố tình nhét kim vào dâu tây, gây nên sự hoang mang khắp Australia và hủy hoại ngành công nghiệp dâu tây của nước này. Cảnh sát nhận định vụ việc này có "tình tiết tăng nặng" nên nếu bị buộc tội, người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù. Truyền thông địa phương xác định danh tính người phụ nữ này là My Ut Trinh, 50 tuổi.
Vụ việc nhét kim vào dâu tây đã gây nên sự hoang mang toàn Australia và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dâu tây của nước này. Ảnh: Reuters |
"Đây có lẽ là một trong những cuộc điều tra khó khăn nhất tôi từng tham gia", Jon Wacker, sĩ quan cảnh sát thuộc Nhóm điều tra về Ma túy và Tội phạm nguy hiểm nhận định trong một cuộc họp báo ngày 12/11.
Theo trang Guardian, mẫu ADN được phát hiện trong một trong những cây kim bị nhét vào dâu tây trùng khớp với mẫu ADN của bà Trinh.
Thẩm phán Christine Roney cho biết động cơ hành vi của bà Trinh có thể là vì "giận dữ hoặc trả thù" do bất bình với nơi làm việc, đồng thời nhận định thêm bà Trinh sẽ không được tại ngoại cho đến khi những lý do đằng sau hành động này trở nên rõ ràng hơn.
Tin tức dâu tây bị nhét kim bắt đầu lan truyền vào tháng 9/2018 sau khi một số người cho biết họ đã phát hiện ra những chiếc kim trong những quả dâu tây họ mua về. Một cô bé 7 tuổi đã ăn phải một quả dâu tây bị nhét kim nhưng may mắn không bị thương. Một người đàn ông khác ở bang Queensland thì kém may mắn hơn khi phải tới bệnh viện do nuốt phải cây kim khi đang ăn dâu tây.
"Điều này khiến tôi vô cùng kinh ngạc", nạn nhân của vụ nhét kim vào dâu tây, anh Hoani Hearne chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên kênh 9 News.
Vụ việc này đã lan rộng khắp Australia với hơn 230 trường hợp tương tự được ghi nhận. Theo các bài báo, những chiếc kim còn được nhét vào một số quả chuối và táo. Vì vậy, các quan chức khuyến cáo mọi người nên cắt dâu tây trước khi ăn.
Một số siêu thị ở Australia đã dừng bán dâu tây và trong một số video được chia sẻ, nhiều trang trại đã phải đổ đi hàng tấn dâu tây chín. Hậu quả là 68 thương hiệu dâu tây đã bị ảnh hưởng, trong đó có 49 công ty là ở Queensland, cảnh sát cho biết.
Các vụ việc này đã gây ra "ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến ngành công nghiệp dâu tây của Queensland bị hủy hoại", bà Jennifer Rowling, phát ngôn viên của Hiệp hội những người trồng dâu tây Queensland tuyên bố ngày 11/11.
"Truyền thông xã hội đã gây nên một cuộc khủng hoảng và những nạn nhân duy nhất là những người trồng dâu tây cùng với một số người trồng trái cây và các nhà xuất khẩu của Australia", bà Jennifer Rowling khẳng định thêm.
Trước vụ việc này, các nhà làm luật Australia đã yêu cầu phải đưa ra hình phạt cứng rắn hơn đối với những kẻ đã gây nên hành vi này. Chính quyền bang Queensland đưa ra thông báo sẽ cung cấp 1 triệu AUD (tương đương với 720.000 USD) để bù đắp cho những ảnh hưởng về tài chính của ngành dâu tây. Bang Queensland sản xuất 30.000 tấn dâu tây mỗi mùa, chiếm 40% sản lượng dâu tây toàn quốc./.
Nỗi sợ “dâu tây kim khâu” lan từ Australia sang New Zealand
Australia hỗ trợ người trồng dâu tây đối mặt với khủng hoảng