Ba Lan bác thông tin trục trặc trong quan hệ đối tác với Mỹ
VOV.VN - Trước đó có nguồn tin cho rằng, quan hệ hai nước đã trở nên xấu đi sau khi Ba Lan thông qua luật Holocaust vào tháng trước.
Ngày 6/3 một phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan khẳng định, không có chuyện hợp tác chiến lược giữa Ba Lan và Mỹ đang gặp rủi ro, theo đó, quan hệ giữa 2 nước vẫn diễn ra bình thường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ba Lan Andzrej Duda (phải) trong cuộc gặp hồi 7/2017. Ảnh: AFP
Tuyên bố được đưa ra khi có nguồn tin cho rằng, quan hệ hai nước đã trở nên xấu đi sau khi Ba Lan thông qua luật Holocaust vào tháng trước.
Báo chí Ba Lan ngày 6/3 đăng tải thông tin có được từ phía Mỹ nói rằng, Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ sẽ không chào đón các nhà lãnh đạo hàng đầu của Ba Lan chừng nào Ba Lan chưa sửa đổi luật Holocaust gây tranh cãi. Báo chí cũng dẫn lời các quan chức Mỹ cảnh báo, nước này có thể rút nguồn kinh phí dành cho các cuộc tập trận chung với Ba Lan, trong đó có việc triển khai quân đội Mỹ tại Ba Lan theo kế hoạch phòng thủ của NATO tại Đông Âu.
Ngay lập tức, nữ phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan Joanna Kopcińska, khẳng định hợp tác chiến lược giữa hai nước không gặp rủi ro như thông tin báo chí đăng tải và các cuộc tiếp xúc ngoại giao vẫn diễn ra bình thường. Bà cho biết thêm Thứ trưởng ngoại giao Ba Lan Marek Magierowski vừa có chuyến thăm Washington vào tuần trước, và dự kiến cố vấn thân cận của Tổng thống Ba Lan Krzysztof Szczerski ngày 8/3 sẽ tới Mỹ để gặp các quan chức Bộ Quốc phòng và các cố vấn của Tổng thống Donald Trump.
Thứ trưởng ngoại giao Ba Lan Bartosz Cichocki cũng lên tiếng bác bỏ việc báo chí gọi đây là “tối hậu thư” từ phía Mỹ và khẳng định không có yêu cầu nào như vậy cả.
Bất chấp cảnh báo từ phía Mỹ và Israel, Tổng thống Ba Lan Andzrej Duda đã ký dự luật gây tranh cãi liên quan tới các cuộc thảm sát người Do Thái của phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Có hiệu lực từ 1/3/2018, luật sẽ áp dụng hình phạt tù tới 3 năm cho bất kỳ ai, kể cả người nước ngoài, cáo buộc Ba Lan có phần trách nhiệm đối với các cuộc thảm sát Holocaust trước đây. Ba Lan cho rằng việc sử dụng cụm từ như “Trại tử thần Ba Lan” là cách nói ám chỉ người Ba Lan có dính líu tới các cuộc thảm sát này.
Mới đây một tổ chức tại Ba Lan đã đệ đơn khiếu nại một tờ báo của Argentina do vi phạm luật mới được thông qua của Ba Lan./.