Ba Lan đề xuất NATO thành lập Sở chỉ huy quân đánh bộ trên lãnh thổ
VOV.VN -Nếu được chấp thuận, sở chỉ huy quân bộ binh mới của NATO sẽ được đặt tại thành phố Szczecin giáp biên giới với Đức.
Trong cuộc gặp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jen Stoltenberg tại Warszawa ngày 28/5, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ mong muốn của nước này là một trong những địa điểm đặt trụ sở chỉ huy quân đánh bộ mới của NATO.
Mỹ lập sở chỉ huy quân đội mới ở Ba Lan trong bối cảnh NATO tăng cường quân ở sườn đông châu Âu. Ảnh: AFP |
Phát biểu với các nhà báo sau cuộc gặp, Tổng thống Andrzej Duda nói rằng ông đã từng đưa ra gợi ý này trong cuộc gặp với Tổng thư ký Jen Stoltenberg trước đây, và một lần nữa đề xuất này lại được ông đề cập trong cuộc gặp hai nhà lãnh đạo ngày 28/5. Nếu được chấp thuận, ông nói, sở chỉ huy quân bộ binh mới của NATO sẽ được đặt tại thành phố Szczecin giáp biên giới với Đức.
Việc thành lập sở chỉ huy mới của NATO nằm trong kế hoạch thay đổi cơ cấu tổ chức của liên minh quân sự hai bờ đại dương nhằm đối phó nhanh chóng hơn với những mối đe dọa mà NATO cho là có thể có từ phía Nga.
Tuy nhiên, tính cho tới thời điểm này vẫn chưa rõ liệu có quyết định về việc thành lập sở chỉ huy quân đánh bộ mới của NATO hay không, và liệu Szczecin có được lựa chọn hay không.
Tổng thư ký Jen Stoltenberg cho biết ban lãnh đạo NATO sẽ có phân tích đánh giá kỹ vấn đề, và dự kiến sẽ không có quyết định liên quan nào tới vấn đề này được bàn bạc tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh được tổ chức tại Bỉ vào tháng 7 tới. Tuy vậy, ông nói rằng điều đó không ảnh hưởng tới kế hoạch thay đổi cơ cấu của liên minh, và ông ghi nhận gợi ý từ phía Ba Lan.
Đề nghị của Tổng thống Duda được đưa ra sau khi báo chí Ba Lan đưa tin Bộ quốc phòng nước này đang lên kế hoạch đề xuất quân đội Mỹ có mặt vĩnh viễn trên lãnh thổ Ba Lan.
Bộ Quốc phòng Ba Lan hiện chưa có bất kỳ bình luận nào về thông tin trên, trong khi Nga bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch này, cho rằng việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh châu Âu.
Sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga và xung đột bùng nổ ở miền Đông Uckraine, NATO đã gần như ngưng tất cả các loại hình hợp tác với Nga. Liên minh cũng quyết định thành lập lực lượng phản ứng nhanh và điều thêm quân tới các nước đồng minh tại sườn phía đông, trong đó có Ba Lan./.