Báo Đức đánh giá cao Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19
Tập đoàn truyền thông Deutsche Welle ngày 26/3 đã có bài viết đánh giá cao các biện pháp hiệu quả và kịp thời của Việt Nam trong việc kiềm chế dịch Covid-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tác giả bài viết cho biết mặc dù Việt Nam là quốc gia láng giềng có đường biên giới chung dài 1.100 km với Trung Quốc - nơi khởi nguồn của dịch COVID-19, cũng như không được đánh giá tốt về hệ thống y tế và không có nhiều ngân sách cho hoạt động phòng dịch, song Việt Nam mới chỉ ghi nhận khoảng 150 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có ca tử vong nào.
Đêm 24 và rạng sáng 25/3/2020, những người cách ly đầu tiên đã về đến ký túc xá Đại học FPT tại Hòa Lạc (Hà Nội) dưới sự chỉ dẫn nghiêm ngặt của đội ngũ y tế và lực lượng vũ trang địa phương. Ảnh: TTXVN |
Bài viết khẳng định Việt Nam cho đến nay đã làm rất tốt công tác chống dịch trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh và tử vong do chủng virus nguy hiểm này tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Bài báo dẫn báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chỉ riêng ở Đức đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 220 ca tử vong.
Bài viết cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt, đã "tuyên chiến" với virus SARS-CoV-2 ngay khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Trung Quốc. Trong một cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo virus sẽ sớm bùng phát ở Việt Nam, do vậy phải "chống dịch như chống giặc". Để thực hiện điều này, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực và thực hiện chính sách cách ly quyết liệt, theo đó thực hiện tìm kiếm tất cả những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus.
Những biện pháp này trong diễn biến dịch thậm chí còn được thực hiện sớm hơn ở Trung Quốc - nơi coi việc phong tỏa toàn bộ các thành phố là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn virus lây lan ra bên ngoài. Chẳng hạn ngày 12/2, Việt Nam đã thực hiện cách ly kiểm soát dịch toàn bộ một xã 10.000 dân ở gần Hà Nội trong 3 tuần mà ở thời điểm đó, Việt Nam mới ghi nhận 10 trường hợp mắc COVID-19.
Ngoài ra, không giống nhiều nước phương Tây, trong đó có Đức, khi chỉ tập trung chú ý tới người bị nhiễm và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, Việt Nam lại phân loại, theo dõi từ người nghi nhiễm (F1), đến người tiếp xúc người nghi nhiễm (F2) và thậm chí cả người tiếp xúc với F2 (F3)... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sớm tiến hành cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người trở về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và cho học sinh các cấp nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tác giả bài báo cũng cho biết đa số người dân Việt Nam đều đồng tình và tin tưởng những biện pháp chống dịch mà Chính phủ đưa ra./.