Báo Mỹ dự đoán về 'kế hoạch 2016' của IS
IS có thể sẽ giành lại những khu vực nhóm này mất quyền kiểm soát, tỏa chân rết ra ngoài Trung Đông và âm mưu tiến hành những cuộc tấn công ngay trên đất Mỹ trong năm tới.
Năm 2015 chứng kiến nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không chỉ gieo rắc tội ác kinh hoàng ở khu vực nhóm này kiểm soát tại Iraq và Syria, mà còn truyền cảm hứng để những kẻ ủng hộ gây ra vụ tấn công khủng bố ở Paris, Pháp ngày 13/11 làm chết 130 người và vụ xả súng ở San Bernardino, bang California, Mỹ ngày 2/12, làm 14 người chết.
Bước sang năm 2016, phóng viên mảng an ninh quốc gia Paul D. Shinkman của US. News & World Report nhận định có ba điều mà IS sẽ thực hiện.
Giành lại đất
IS đã chứng tỏ khả năng bám trụ ở các khu vực nhóm này chiếm đóng. IS liên tục tấn công khu trung tâm dầu mỏ ở Beiji, Iraq vào mùa hè năm 2014 sau khi để mất và cuối cùng giành lại được vùng này sau nhiều cuộc xung đột lẻ tẻ kéo dài với quân chính phủ Iraq. Chiến sự hiện vẫn tiếp diễn ở đây và buộc không quân của liên minh do Mỹ dẫn đầu phải đến yểm trợ.
Trước khi chiếm đóng Mosul, bắc Iraq, vào mùa hè năm ngoái, IS đã xâm nhập vào các mạng lưới thị trường chợ đen và tội phạm, đồng thời phá hoại bộ máy chính quyền địa phương nơi đây. Mô thức đó vẫn được duy trì ở những nơi khác như thị trấn Sinjar, tỉnh Nineveh, Iraq, nơi lực lượng người Kurd đánh bật IS hồi tháng 11.
Lực lượng an ninh Iraq cuối tháng 12 đã đánh bật IS ra khỏi Ramadi, trung Iraq. Dù đã giải phóng được thành phố này, thành công thực sự sẽ nằm ở việc liệu Baghdad có chiếm được lòng tin của người dân ở thành phố có phần lớn người Hồi giáo Sunni sinh sống này không. IS sẽ tiếp tục lợi dụng sự bất mãn của người Sunni đối với chính quyền do phần lớn người Shiite kiểm soát ,và bị tác động bởi những người Shiite nước láng giềng Iran.
"Lối suy nghĩ này cho phép IS rút khỏi các vùng nhóm chiếm đóng trong một thời gian, trong khi sử dụng các chiến thuật trì hoãn để gây thương vong tối đa cho đối phương", Firas Abi Ali, chuyên gia phân tích rủi ro bạo lực ở tổ chức tư vấn IHS nói. "Lối suy nghĩ này xuất phát từ nhận thức của IS, cho rằng nhóm này luôn bị đối phương áp đảo về quân số. Vậy nên, nhóm sẵn sàng buông vùng đất đang chiếm giữ vì nghĩ rằng có thể giành lại được sau này".
Mở rộng sang Libya
Nhiều nhóm phiến quân đã cam kết trung thành với IS, từ Boko Haram ở Nigeria cho đến một số nhánh của Taliban ở Afghanistan. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ cho rằng nơi duy nhất mà IS có mối liên hệ trực tiếp, ngoài địa bàn ở Iraq và Syria, là Libya.
"Libya chính là nơi có mối liên hệ lớn nhất vì tình trạng hỗn loạn ở đó, cũng như những thách thức mà chính phủ Libya đang đối mặt", Tư lệnh của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Phi, tướng David Rodriguez, nói.
Bất ổn dân sự trên khắp Libya kể từ khi NATO lật đổ Tổng thống Muammar Gadhafi năm 2011 đã tạo ra môi trường thuận lợi cho IS phát triển, cho phép các phiến quân và các nguồn lực của IS di chuyển lui tới giữa Bắc Phi và Trung Đông.
Chiến binh từ Libya có thể vượt Địa Trung Hải để sang Nam Âu. Đồ họa:World Atlas
|
IS ưu tiên Libya vì vị trí địa lý nước này. Libya là trung tâm của tất cả tuyến đường buôn lậu chính ở châu Phi, cung cấp cho IS thêm một lựa chọn để di chuyển nguồn lực khi bị liên minh phương Tây bóp nghẹt ở Iraq và Syria. Libya cũng có thể trở thành nơi phát động các cuộc tấn công nhằm vào châu Âu hoặc củng cố sự hiện diện của IS ở đất nước đầy biến động Tunisia, nơi có hàng nghìn tay súng đã gia nhập IS.
Libya cũng có thể trở thành một tuyến đường để tiếp cận Ai Cập, nơi IS có thể thiết lập sự hiện diện vững chắc trên bán đảo Sinai.
Tuy nhiên, các chỉ huy của IS đã truyền cảm hứng cho những người ủng hộ bằng cách nói rằng lịch sử đạo Hồi bắt nguồn từ thành phố Raqqa và Dabiq ở Syria, nơi nhóm cho rằng một trận đại chiến giữa Hồi giáo và phương Tây sẽ xảy ra.
"IS không thể đơn giản chỉ cuốn gói và chạy sang Libya. Việc này sẽ làm rẻ rúng thanh thế và các tuyên bố của nhóm", Scott Stewart, phó chủ tịch bộ phận phân tích chiến thuật ở công ty tư vấn an ninh Stratfor, Mỹ, nhận xét.
Ông cho rằng, thiết lập sự hiện diện vững chắc ở Libya chỉ đóng vai trò như kế hoạch B, trong trường hợp các chỉ huy IS cần phải chạy nạn đến nơi tương đối an toàn.
Tấn công Mỹ
Cho đến nay, Mỹ chưa chứng kiến một vụ tấn công nào có sự chỉ huy từ đầu não IS tại Syria, như vụ tấn công khủng bố ở Paris tháng 11, theo giới chức đánh giá. Vụ xả súng ở San Bernardino được thực hiện bởi một cặp vợ chồng được cho là bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan của IS. Các nhà điều tra không tin rằng có bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào giữa họ với IS trong việc lên kế hoạch hay cung cấp nguồn lực.
"Tôi cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều âm mưu và nhiều vụ tấn công hơn bởi những phần tử jihad", chuyên gia Scott Stewart ở công ty tư vấn an ninh Stratfor, nói.
IS phô diễn lực lượng trên đường phố ở Sirte, Libya. Ảnh: SITE Intel |
"IS có thể không đủ khả năng thực hiện một vụ khủng bố như 11/9", chuyên gia Michael O’Hanlon ở Viện Brookings, Mỹ, nhận định. "Nhưng nếu chúng có thể thực hiện nhiều vụ khủng bố như ở Paris hay San Bernardino và mục đích là gieo rắc sợ hãi cho thế giới, thì chúng cũng chẳng cần thực hiện một vụ khủng bố như 11/9".
Cản trở trên con đường diệt IS
Một trong những cản trở lớn nhất để đánh bại IS ở Syria là nước này có đường biên giới ngoằn nghèo với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như việc thuyết phục Ankara nhiệt tình hơn trong cuộc chiến chống IS.
Các tay súng người Kurd, chẳng hạn như lực lượng người Kurd ở Iraq hay Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) tại Syria đã chứng tỏ rằng họ là lực lượng có năng lực nhất để lấy lại đất từ IS. Tuy nhiên, người Thổ Nhĩ Kỳ rất thận trọng với người Kurd vì cho rằng người Kurd liên kết với các nhóm mà Ankara xem là tổ chức khủng bố.
Một cản trở chính nữa nằm ở cộng đồng người Hồi giáo Sunni ở Iraq và Syria. IS có thể chiếm giữ lãnh thổ trong suốt cuộc tấn công dữ dội mùa hè năm ngoái là nhờ sự ủng hộ hay chí ít là sự bằng lòng của cộng đồng người Sunni ở các khu vực mà IS kiểm soát. Cộng đồng này bất mãn với cách cai trị cứng rắn của Tổng thống Syria Bashar Assad và không vừa lòng với chính phủ Iraq dưới thời Thủ tướng Nouri al-Maliki, vì cho rằng họ ưu ái người dòng Shiite.
Theo Shinkman, IS sẽ không bao giờ bị đánh bại, trừ phi cộng đồng Sunni ở các khu vực này tin rằng phương Tây quan tâm đến an ninh của họ và rằng họ sẽ được tham gia vào các vị trí cấp cao trong chính phủ.
Điều này chắc chắn cần một nỗ lực lớn khi mà một cuộc khảo sát mới đây cho thấy đa số người dân sống ở Iraq và Syria tin rằng chính Mỹ đã tạo ra IS. Tia hy vọng đã xuất hiện qua việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết xác lập tiến trình hòa bình ở Syria, dù vẫn còn mơ hồ.
"Nghị quyết này vẫn không thay đổi được những gì đang diễn ra tại thực địa", chuyên gia Firas Abi Ali ở IHS nói. "Lực lượng người Sunni sẽ bế tắc trong hy vọng tổng thống Mỹ tương lai sẽ ủng hộ họ nhiều hơn".
Khóa miệng
Một trong những thành công lớn nhất của IS là sử dụng chiến thuật tuyên truyền để kiểm soát những người dân dưới sự cai quản của nhóm cũng như tuyển mộ những thanh niên bất mãn ở nước ngoài.
Các cơ quan an ninh phương Tây vẫn bối rối trước việc những thanh niên trẻ, sống sung túc bị thuyết phục bởi thông điệp mà IS đưa ra, cũng như cách IS sử dụng mạng xã hội để liên hệ trực tiếp với những thành viên tiềm năng.
Giải pháp cho vấn đề này là cần phải khắc phục một trong những lỗ hổng lớn nhất trong chiến lược chống IS, đó là phương Tây cần phải huy động sự ủng hộ nhiệt thành hơn từ các nước Hồi giáo như Arab Saudi và Jordan.
Các nước này bấy lâu nay nhận viện trợ quân sự và ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, thái độ nghi ngờ về sự cam kết của Mỹ ở Trung Đông khiến họ tập trung vào các vấn đề nội bộ, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng người tị nạn lan sang Jordan hoặc cuộc chiến của Arab Saudi ở Yemen với các phiến quân.
Theo Shinkman, phơi bày hiện thực cuộc sống dưới sự cai quản của IS có thể mới là phương án hiệu quả nhất để phản công các biện pháp tuyên truyền của IS. Các nguồn tin từ Iraq nói rằng IS bắt đầu cấm truyền hình vệ tinh ở khu vực nhóm này kiểm soát
"Chúng tôi bắt đầu nhận thấy có thay đổi trong thái độ của IS, nhóm này có thể đang dần chán nản, tuyệt vọng", người phát ngôn của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, đại tá Steve Warren, nói.
"Chúng dường như tìm cách che giấu thông tin liên quan đến chuỗi thất bại gần đây, khi chúng tôi tiêu diệt các chỉ huy, tấn công chúng trên khắp mặt trận, đồng thời tăng cường năng lực an ninh cho các đối tác trong khu vực. Dường như chúng bắt đầu cảm nhận được sức ép", ông nói./.