Báo Pháp: Châu Âu rất quan tâm lắng nghe về tình hình trên Biển Đông
VOV.VN - Nhận định trên tờ "Tiếng Vang" của Pháp cũng là quan điểm chung của nhiều tờ báo châu Âu hội nghị thượng đỉnh ASEM 10.
"Châu Âu rất quan tâm lắng nghe những nhà lãnh đạo châu Á nói về tình hình trên Biển Đông và Hoa Đông” - Nhận định trên tờ "Tiếng Vang" của Pháp cũng là quan điểm chung của nhiều tờ báo châu Âu về các nội dung thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM 10 bắt đầu từ hôm nay (16/10) tại Milan (Italia).
Châu Âu rất quan tâm lắng nghe tình hình trên biển Đông
Cùng với tờ "Tiếng vang", báo chí Pháp cũng đưa lại thông tin về cuộc họp báo chung giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkl. Theo đó, bà Merkel khẳng định ASEM chắc chắn sẽ trao đổi vấn đề này để tạo được con đường hàng hải tự do, an ninh, an toàn. Báo chí Pháp cho rằng quan điểm hậu thuẫn của Đức cũng là lập trường chung của toàn EU.
Phải nói rằng các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động các nước châu Âu và EU cùng phản đối chính sách ngang ngược của Trung Quốc. Cuộc nói chuyện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) vào tháng 9 năm ngoái đã tạo tiếng vang rất lớn, mở màn cho những đăng đàn của lãnh đạo các nước ASEAN tại châu Âu. Cách đây không lâu, đến lượt Tổng thống Philippines có cuộc trò chuyện tại IFRI, chỉ trích chính sách bá quyền của Trung Quốc và kêu gọi quan điểm ủng hộ của EU.
Chờ đợi gì trong vấn đề Ukraine?
Cùng với vấn đề tranh chấp trên biển, câu chuyện Ukraine cũng thu hút sự chú ý đặc biệt. Do Ukraine nằm sát sườn EU, nên các nước thành viên EU đặt nhiều trọng tâm vào vấn đề này, nhất là khi dự kiến sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Nga với nhà lãnh đạo Ukraine Petro Poroshenko. Ngoài ra, châu Âu cũng quan tâm đến các cuộc gặp song phương của lãnh đạo các nước châu Âu với Tổng thống Nga Putin.
Báo chí châu Âu bày tỏ hy vọng các cuộc gặp ngoại giao này sẽ mở cánh cửa cho một giải pháp chính trị ổn thỏa. Chính sách đối với Ukraine là nằm ở tầm cấp cao, tầm lãnh đạo các chính phủ, nên lần này, người ta chờ đợi các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa những người đóng vai trò đưa ra quyết định chính trong câu chuyện Ukraine. Song cũng khó có thể hy vọng vào một cách tiếp cận khác, bởi mỗi nước đều bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, có chăng chỉ có thể hy vọng vào một sự thỏa hiệp thêm lẫn nhau giữa các nước liên quan.
Thúc đẩy kết nối Á - Âu : Hướng tới quan hệ bình đẳng, cân bằng hơn
Dự kiến, ASEM lần này sẽ làm nổi bật, đó là yêu cầu thúc đẩy kết nối Á - Âu được phía châu Âu nói đến rất nhiều. Và thứ hai, câu chuyện thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại- tài chính cũng được chú trọng, nếu không nói là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước thành viên châu Âu. Hai điểm này đều thể hiện chung một thực tế rằng vai trò, vị thế của châu Á đang được nâng cao trong quan hệ với châu Âu và yêu cầu kết nối chặt chẽ Á - Âu ngày càng trở nên cấp thiết để hợp tác hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích.
Tờ "Tiếng Vang" của Pháp nhắc đến những mối liên kết thương mại với châu Á và nhấn mạnh châu Âu đang rất cần. Tờ báo chỉ ra rằng từ năm 2003 đến 2013, tỷ trọng thương mại của 20 nước châu Á với EU tăng mạnh mẽ. Mức xuất khẩu của các nước này sang 28 nước thành viên EU tăng từ 25 đến 30% và nhập khẩu tăng từ 40 đến 44%.
Trong câu chuyện thúc đẩy liên kết Á - Âu về kinh tế thương mại, Việt Nam đóng vai trò ngày càng lớn, khi xuất nhập khẩu không ngừng tăng sang EU và Việt Nam dự kiến kết thúc đàm phán về Hiệp định tự do thương mại với EU vào cuối năm nay.
Đặc biệt, tại diễn đàn ASEM lần này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một trong 3 nhà lãnh đạo cấp cao châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu đến từ hai châu lục Á - Âu trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu.
Rõ ràng, vị thế của châu Á trong chính sách của EU ngày càng được nâng cao, hướng tới đối tác bình đẳng. Việc Việt Nam và nước thành viên lớn trong EU là Pháp ký thỏa thuận Đối tác chiến lược vào năm ngoái là một minh chứng cho điều này. Một khi thúc đẩy kết nối Á - Âu, hai bên sẽ hợp tác cân bằng và bình đẳng hơn trong các vấn đề như hải quan, thúc đẩy thương mại, thông quan hàng hóa, thúc đẩy kết nối để phát triển du lịch...
Báo chí Thái Lan đưa tin Thủ tướng Thái Lan cũng sẽ tập trung nói về những rào cản thương mại mà châu Âu đặt ra đối với hàng hóa của châu Á nói chung, ASEAN nói riêng. Điểm này cũng thể hiện vị thế ngày càng bình đẳng hơn giữa Á và Âu trong hợp tác thương mại./.