Bầu cử Bangladesh- Hy vọng hòa giải xa vời
VOV.VN - Kết quả bầu cử tại nước này đã bị lu mờ bởi tình trạng bạo lực đang gia tăng tại đây.
Theo kết quả không chính thức, đảng Liên minh Nhân dân (AL) cầm quyền tại Bangladesh của Thủ tướng Sheikh Hasina đã giành thắng lợi áp đảo tại cuộc bầu cử Quốc hội đầy tranh cãi diễn ra hôm 5/1.
Ít nhất 16 người đã thiệt mạng do các vụ bạo lực và đụng độ hôm 5/1, ngay sau khi các điểm bỏ phiếu ở Bangladesh mở cửa vào 8h sáng (giờ địa phương).
Tình trạng bạo lực gia tăng đã khiến Ủy ban Bầu cử Bangladesh (BEC) buộc phải hoãn bỏ phiếu tại 160 địa điểm thuộc 21 đơn vị bầu cử trên cả nước.
Người biểu tình đập phá một điểm bỏ phiếu tại Bangladesh (Ảnh AFP) |
Đến cuối ngày, theo ước tính của Ủy ban này, chỉ có khoảng 20% số cử tri đi bỏ phiếu, con số này thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ 87% của cuộc bầu cử cuối năm 2008.
Trước khi bầu cử diễn ra, liên minh đối lập 18 đảng do đảng Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh (BNP) đứng đầu đã tuyên bố tẩy chay tổng tuyển cử. Theo kết quả sơ bộ, đảng Liên minh Nhân dân đã giành được 232 ghế trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội, vượt xa điều kiện đa số ghế để đứng ra thành lập chính phủ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu, phát ngôn viên đảng Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh tuyên bố phát động một cuộc tuần hành mới kéo dài 48 giờ, bắt đầu từ ngày 5/1, nhằm hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử.
Nguyên nhân tẩy chay cuộc bầu cử được đảng Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh đưa ra là bởi họ không tán thành thời điểm tổ chức bầu cử vào ngày 5/1, trong khi thời hạn nhiệm kỳ của đương kim Thủ tướng Hasina tới tận ngày 24/1 mới kết thúc.
Phe đối lập muốn Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức trước thời điểm bỏ phiếu, cũng như cuộc bầu cử được tiến hành dưới sự giám sát của một Ủy ban bầu cử độc lập phi đảng phái.
Đây cũng chính là mâu thuẫn mấu chốt giữa liên đảng cầm quyền của Thủ tướng Hasina với đảng Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh đối lập. Mâu thuẫn trở nên gay gắt kể từ thời điểm tháng 6/2011, khi Quốc hội Bangladesh bãi bỏ hệ thống chính phủ lâm thời phi đảng phái sau khi một tòa án tối cao phán quyết rằng điều khoản Hiến pháp này là bất hợp pháp.
Cảnh sát và quân đội Bangladesh tại một điểm bỏ phiếu bị đập phá (Ảnh AFP) |
Sau đó, liên minh đối lập thường xuyên biểu tình đòi khôi phục điều khoản này và căng thẳng bùng phát vào ngày 25/10/2013 khi biểu tình biến thành bạo lực khiến 12 người chết và hàng trăm người bị thương.
Căng thẳng ngày càng leo thang khi lãnh đạo đảng cầm quyền và đối lập từ chối ngồi vào bàn đàm phán ngày 27/10/2013.
Trong một phát biểu ngày 28/10/2013, quyền Tổng Thư ký đảng Dân tộc chủ nghĩa đối lập Islam Alamgir cho biết: “Một sự thật là ở đất nước chúng ta, các đảng chính trị không tin tưởng nhau. Chúng ta đã từng có một hệ thống, nhưng thật không may chính phủ hiện nay đã sửa đổi Hiến pháp. Yêu cầu của chúng tôi là một chính phủ phi đảng phái trong thời gian bầu cử”.
Trong khi đó, đảng Liên minh Nhân dân cầm quyền cáo buộc phe đối lập gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay, kêu gọi lãnh đạo đối lập rút lại lời kêu gọi đình công và ngồi vào đối thoại.
Từ đó đến nay, biểu tình và xung đột vẫn diễn ra liên tục cho đến ngày 5/1. Bạo lực đã nhấn chìm cuộc bầu cử cũng như lu mờ kết quả mà Ủy ban Bầu cử Bangladesh vừa công bố.
Rõ ràng, dù đảng Liên minh Nhân dân của Thủ tướng Sheikh Hasina đã giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử đầy tranh cãi, song điều này không mấy được dư luận quan tâm, thay vào đó, bất ổn chính trị ở quốc gia Nam Á lúc này mới là điều đáng bàn.
Bangladesh có 154 triệu dân, quốc gia đứng hàng thứ 8 thế giới về dân số song 1/3 trong số này phải sống dưới mức nghèo khổ.
Là đất nước giao thoa giữa 2 nền văn hóa Ấn Độ và Pakistan lại càng khiến quốc gia Nam Á phức tạp trong việc giải quyết các mâu thuẫn phe phái liên quan tới tôn giáo, tín ngưỡng.
Năm qua, bạo lực chính trị đã cướp đi sinh mạng của hơn 280 người dân Bangladesh, một nửa trong số này là nạn nhân của tình trạng xung đột leo thang kể từ ngày 25/11/2013, khi Ủy ban bầu cử công bố ngày bỏ phiếu.
Với cuộc bầu cử đầy tranh cãi và kết quả vừa được công bố, hy vọng giải tỏa bế tắc chính trị ở Bangladesh ngày càng trở nên xa vời./.