Bầu cử Israel – Ván bài “tất tay” của Thủ tướng Netanyahu
VOV.VN - Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội “lại” của Israel lần này cũng rất khó đoán trước và cơ hội đang chia đều cho các Đảng tham gia.
Vào lúc 11 giờ trưa 17/9 (theo giờ Việt Nam), hơn 6 triệu cử tri Israel đủ điều kiện đã bắt đầu đi bỏ phiếu, để bầu Quốc hội mới gồm 120 ghế, hướng tới việc tìm ra người lãnh đạo mới cho quốc gia này nhiệm kỳ 4 năm tới.
Đây là cuộc bầu cử Quốc hội Israel lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 5 tháng, sau khi Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu đã thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh chiếm đa số ghế tại Quốc hội, vốn được bầu ra hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, vẫn giống như cuộc bầu cử lần trước, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội “lại” của Israel lần này cũng rất khó đoán trước và cơ hội đang giành cho các Đảng tham gia.
Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội “lại” của Israel lần này cũng rất khó đoán trước. Ảnh: Financial Times |
Ngày 16/9, đương kim Thủ tướng Israel Netanyahu, người đứng đầu của Đảng Likud – đại diện phe cánh hữu và Cựu Tổng Tham mưu trưởng, Tướng Benny Gantz – người đứng đầu Đảng Xanh Trắng, đại diện chính của phe cánh tả, đã cùng tới Bức tường phía Tây ở Jerusalem để cầu nguyện. Đây là 1 nghi lễ thường diễn ra trước khi các cuộc bầu cử tại Israel bắt đầu.
Từ 7 giờ sáng nay (theo giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Ixraen đã mở cửa, để đón các cử tri đi bỏ phiếu. Dự kiến, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 10 giờ tối nay (theo giờ địa phương).
Theo giới phân tích, cũng giống như các cuộc bầu cử Ixraen trước đó, các Đảng tại quốc gia này đều khó có thể nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Do đó, các Đảng lớn, đại diện cho các phe cánh hữu và cánh tả buộc phải đạt thỏa thuận với các đảng nhỏ hơn để có thể thành lập chính phủ liên minh.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, cả 2 đại diện chính của phe cánh hữu (là Đảng Likud) và cánh tả (là Đảng Xanh Trắng) đều bị giảm ghế so với lần bầu cử hồi tháng 4, khi cùng được dự báo chỉ giành 35 ghế trong quốc hội mới. Cũng vì thế, số ghế sẽ được tăng lên cho các Đảng nhỏ khác tham gia bầu cử lần này. Một nhân tố được đánh giá có “vai trò quyết định”, để bên phe cánh hữu hay cánh tả có được đa số ghế trong Quốc hội, để có thể đứng ra thành lập Chính phủ liên minh, chính là Đảng Ngôi nhà Israel (Yisrael Beiteinu) của Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman.
Hiện quan điểm của ông Liberman là muốn cả Đảng Likud, Đảng Xanh Trắng cùng với Đảng của ông đứng ra thành lập chính phủ liên minh. Tuy nhiên, đây không phải là điều đương kim Thủ tướng Israel Netanyahu mong muốn.
1 tuần trước khi bầu cử diễn ra, Thủ tướng Netanyahu đã dùng mọi “chiêu bài” bầu cử, với hi vọng có được sự ủng hộ của tất cả cử tri phe cánh hữu – 1 lực lượng chiếm khoảng 58% cử tri tại Ixraen. Như lần bầu cử hồi tháng 4, ông Netanyahu vẫn tiếp tục sắm vai là “người bảo vệ đất nước”, với chính sách lãnh thổ gây tranh cãi song được lòng cử tri Ixraen, đường lối an ninh “cứng rắn” với các quốc gia Arab láng giềng, và đối ngoại với các nước lớn “khôn khéo”.
Lần trước, ông Netanyahu có được sự ủng hộ lớn của Mỹ khi nhận được sự công nhận chủ quyền cho Israel đối với cao nguyên Golan, thì lần này, vị đương kim Thủ tướng Israel đã tự đưa ra cam kết sẽ sáp nhập 1 số khu vực chiếm đóng tại Bờ Tây nếu tái đắc cử. Trước mắt, đó là Thung lũng Jordan và khu vực phía Bắc biển Chết – nơi đang có 65.000 người Palestine và 11.000 người định cư Israel sinh sống:
“Vì tôn trọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và dành hết niềm tin vào tình bạn của chúng tôi, tôi sẽ chờ để tuyên bố chủ quyền đối với 1 số vùng lãnh thổ sau khi Mỹ công bố kế hoạch hòa bình. Nhưng có một nơi Israel có thể tuyên bố chủ quyền ngay sau cuộc bầu cử, nếu tôi nhận được một nhiệm vụ rõ ràng từ các bạn – những công dân Israel. Khi các nỗ lực ngoại giao của tôi đã chín muồi, hôm nay tôi tuyên bố ý định sáp nhập chủ quyền thung lũng Jordan và phía bắc Biển Chết ngay sau khi thành lập được chính phủ mới”, ông Netanyahu nói.
Không những vậy, vị chính trị gia lão làng của Israel cũng đang thể hiện sự nhạy bén chính trị của mình trước cử tri, với 1 chính sách đối ngoại hài hòa với các nước lớn, bao gồm cả Nga, Mỹ và Trung Quốc. Ngay trước cuộc bầu cử, ông thể hiện mối quan tâm về 1 hiệp ước Quốc phòng chung với Mỹ, đồng thời cũng đã tới thăm Nga, với việc tay bắt, mặt mừng với Tổng thống Putin.
Giữa vòng vây giữa các nước cựu thù Arab, chính sách an ninh cứng rắn với Iran và làm hòa với các quốc gia Arập khác cũng cho thấy vai trò đặc biệt của vị chính trị gia 69 tuổi Netanyahu.
Tuy nhiên, với 1 bộ phận không nhỏ trong dân chúng Israel, 13 năm cầm quyền, với 10 năm làm Thủ tướng liên tục của ông Netanyahu vậy là đã đủ. Họ muốn được dẫn dắt bởi 1 nhà lãnh đạo mới, đặc biệt trong bối cảnh ông Netanyahu lại đang dính vào các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và đang chờ khởi tố vào đầu tháng 10 tới. Đây cũng là điểm yếu của ông và được đối thủ chính trong cuộc bầu cử lần này – người đứng đầu Đảng Xanh Trắng Benny Gantz khai thác.
“Quan niệm đơn thuần rằng ở Israel là liệu rằng một Thủ tướng có thể ở lại văn phòng khi ông có những cáo buộc. Theo quan điểm của tôi, điều đó là vô lý. Tôi hi vọng nó sẽ không xảy ra”, ông Gantz nói.
Hiện vẫn còn quá nhiều ẩn số để có thể kết luận về số phận của Thủ tướng Israel Netanyahu. Kết quả bầu cử là 1 phần, song các cuộc đàm phán thành lập chính phủ sau đó cũng là 1 bài toán “khá nan giải” của Israel. Trong khi, dư luận thế giới và đặc biệt là Palestine và các quốc gia Arập đều đang dõi theo cuộc bầu cử Israel quan trọng này, bởi những chính sách của Israel trong tương lai được đánh giá sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến khu vực./.