Bế tắc chính trị tại Italy: Trầm trọng và khó giải quyết dứt điểm
VOV.VN - Chỉ sau 5 ngày được chỉ định làm Thủ tướng Italy, ông Giuseppe Conte đã từ chức với lý do không có khả năng thành lập Chính phủ.
Trong vài tuần qua, sau nhiều ngày bế tắc, hai đảng lớn nhất tại Italy sau cuộc cuộc tổng tuyển cử đầu tháng 3 là đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc và đảng dân tuý “Phong trào 5 sao” đã đạt được thoả thuận là sẽ liên minh để thành lập chính phủ do không có đảng nào giành được đa số tại Quốc hội Italy. Trước đó, khả năng liên minh giữa hai đảng này là gần như không có do hai đảng này quá khác biệt về đường lối chính trị nhưng trước cơ hội được nắm quyền lực thì hai đảng này đã chấp thuận liên minh.
Quyết định từ chức Thủ tướng chỉ sau 5 ngày được chỉ định của ông Conte cho thấy Italy đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, đây chính là kịch bản xấu nhất mà châu Âu có thể hình dung bởi cả hai đảng này đều có tư tưởng chống châu Âu rất mạnh. Và khi đạt được thoả thuận liên minh thì hai đảng đã công khai đường lối chống châu Âu, từ việc tiết lộ sẽ không tuân thủ kỷ luật ngân sách cho đến việc úp mở về chuyện Italy sẽ rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, thậm chí là rời khỏi Liên minh châu Âu, giống như Brexit ở Anh.
Vì thế, hai đảng này đã lựa chọn 1 ứng cử viên làm Thủ tướng có quan điểm tương đồng là ông Giuseppe Conte và đến lượt mình, ông Conte cũng muốn chọn một Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính có quan điểm tương tự là ông Paolo Savona.
Trong bất cứ một Chính phủ nào, Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính cũng là một trong những vị trí quan trọng nhất. Vì thế việc các đảng Liên đoàn phương Bắc, Phong trào 5 sao cũng như cá nhân ông Conte muốn chọn 1 Bộ trưởng Kinh tế chống châu Âu, chính là thể hiện rõ nhất đường lối của các đảng này.
Điều này đã khiến Tổng thống Italy Sergio Mattarella buộc phải phủ quyết vị trí Bộ trưởng Kinh tế. Ông Mattarella cho rằng, nếu chọn một Bộ trưởng Kinh tế có quan điểm chống châu Âu rõ rệt như ông Savona thì tức là tuyên bố với thế giới và châu Âu rằng Italy sẽ có nguy cơ rời khỏi Liên minh.
Điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với nền kinh tế Italy bởi nước này có mức nợ công lên đến 130% GDP và hệ thống ngân hàng Italy vẫn đang rất mong manh, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Nói cách khác, ông Mattarella đang ngăn chặn một nguy cơ mà ông cho là sẽ làm sụp đổ nền kinh tế Italy và đẩy nước này vào tương lai bất định như nước Anh thời Brexit.
Kịch bản khả thi nhất và dường như là duy nhất vào lúc này là Italy sẽ thành lập một chính phủ kỹ thuật để điều hành đất nước trong vòng vài tháng trước khi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới. Trên thực tế thì điều này đang được thực hiện ngay lập tức.
Trong ngày 28/5, Tổng thống Italy đã chỉ định ông Carlo Cottarelli làm Thủ tướng Italy và giao cho ông này thành lập một nội các gồm toàn các nhân vật kỹ trị. Chính phủ này sẽ điều hành đất nước Italy trong vài tháng, dù có thể không nhận được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội Italy nhưng sẽ đảm bảo để bộ máy hành pháp của Italy được vận hành bình thường, đồng thời thực thi một số nhiệm vụ quan trọng như chuẩn bị dự thảo ngân sách 2019 hay đại diện cho quyền lợi của Italy trong các sự vụ quốc tế.
Trong quá khứ, Italy cũng từng nhiều lần chứng kiến các đời chính phủ kỹ trị, tức là không do đảng phái chính trị nào nắm giữ, mà gần đây nhất có chính phủ của ông Mario Monti năm 2013.
Nguyên nhân chủ yếu khiến Tổng thống Italy Sergio Mattarella phủ quyết đề cử vị trí Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính là bởi ông Paolo Savona nổi tiếng là nhân vật chống châu Âu. Tổng thống Mattarella đã nhiều lần tuyên bố rất rõ rằng ở vị trí của mình, ông không thể để Italy đối mặt với rủi ro của việc Italy rời khỏi khu vực đồng tiền chung Eurozone hay rời Liên minh châu Âu bởi điều này có thể khiến nền kinh tế Italy sụp đổ.
Quan điểm thận trọng của ông Mattarella rõ ràng rất khác với quan điểm của hai đảng liên minh Liên đoàn phương Bắc và Phong trào 5 sao bởi hai đảng này không che giấu rất nhiều chính sách chống châu Âu. Tuy nhiên, xét về sâu xa, cuộc khủng hoảng hiện nay trên chính trường Italy không đơn giản là do sự đối đầu giữa Tổng thống với các đảng cực hữu, dân tuý mà là một sự khủng hoảng có tính hệ thống về mặt thể chế kéo dài từ nhiều năm qua.
Các học giả phương Tây đang đánh giá Italy là một ví dụ điển hình của sự khủng hoảng mô hình dân chủ phương Tây, bao gồm một nền kinh tế mong manh, một sự thoái trào của các đảng phái chính trị truyền thống, ở Italy là đảng Dân chủ phe trung tả và đảng Tiến lên Italy phe trung hữu. Quan trọng nhất là sự nổi lên của các đảng cực hữu, dân tuý như Liên đoàn phương Bắc, Phong trào 5 sao, làm suy yếu các thiết chế chính trị và cản trở các cải cách quan trọng.
Đó là lí do khiến chính trường Italy bao năm qua luôn rất bất ổn, các chính phủ liên tiếp đổ vỡ, trong khi các ý định cải cách thể chế, như cải cách Nghị viện, cải cách Luật bầu cử… luôn thất bại. Một chi tiết minh họa cho điều này, là chính phủ hiện nay đã là chính phủ đời thứ 62 tại Italy từ sau Chiến tranh thế giới 2, một con số kỷ lục tại châu Âu. Và sự đối đầu bế tắc giữa Tổng thống Italy với các đảng hiện nay là một sự kiện mang tính truyền thống của văn hoá chính trị Italy.
Đối với Liên minh châu Âu thì các diễn biến tại Italy hiện nay được quan tâm sát sao bởi bất cứ biến động nào tại đất nước này đều có thể gây ra tác động lớn đến cả khối. Sau khi Anh rời Liên minh thì Italy chính là nền kinh tế lớn thứ 3 của khối. Tuy nhiên, nền kinh tế này lại đang có rất nhiều rủi ro, với tỷ lệ nợ công lên tới 130% GDP.
Vấn đề của châu Âu là nền kinh tế Italy quá lớn để có thể đổ vỡ, nhưng nếu muốn giải nguy cho Italy một khi nước này lâm vào khủng hoảng trầm trọng thì lại cần có những nguồn lực tài chính khổng lồ. Chỉ cần chứng kiến châu Âu đã vất vả như thế nào để giải cứu Hy Lạp, nền kinh tế có quy mô chỉ bằng 1/8 Italy cũng đủ hiểu rằng, một khi chính trường Italy biến động khiến kinh tế nước này lâm nguy thì thách thức duy trì sự ổn định của khu vực Eurozone lớn đến mức nào.
Vì thế, việc chính phủ liên minh giữa hai đảng cực hữu và dân tuý ở Italy không được thành lập như hiện nay là điều khiến châu Âu bớt đi được một nỗi lo rất lớn. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là nỗi lo này không quay trở lại bởi nếu bầu cử lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019, các đảng như Phong trào 5 sao và Liên đoàn phương Bắc vẫn có rất nhiều cơ hội lại tiếp tục chiến thắng, trong bối cảnh mà tình hình kinh tế-xã hội của Italy vẫn rất u ám và căng thẳng như thời gian qua./.
Thế bế tắc chính trị ở Italy vẫn chưa được tháo gỡ