Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia lạc quan về tìm MH370
Ông Tiong Lai bày tỏ lạc quan rằng sẽ định vị được chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích ở Nam Ấn Độ dương cách đây 1 năm.
Mỗi cái ''bắt tay'' giữa máy bay và hệ thống vệ tinh là một dữ liệu cụ thể về MH370, dữ liệu cho thấy bảy cái ''bắt tay'' chỉ ra vòng cung dài của Nam Ấn Độ dương và rất quan trọng trong việc tìm kiếm để xác định vị trí máy bay.
Việc tính toán này dựa vào tốc độ và nhiên liệu của MH370. Nếu tốc độ chậm, chiếc máy bay ở phần phía bắc của Nam Ấn Độ Dương và nếu tốc độ nhanh, nó đã kết thúc ở phần phía nam khoảng 30-40 độ nam đại dương.
Một chiến dịch tìm kiếm đã được tiến hành với nỗ lực không ngừng của đội tìm kiếm giỏi nhất và nhóm chuyên gia lớn nhất nhằm định vị được chiếc máy bay. Cho đến nay, việc tìm kiếm ở vùng biển Nam Ấn Độ dương đã bao trùm 26.000km2, chiếm 44% tổng diện tích quy định tìm kiếm 60.000km2.
Ông Liow bày tỏ tự tin sẽ tìm thấy chiếc máy bay mất tích tại khu vực đặc biệt này và hy vọng có thể hoàn thành công tác tìm kiếm vào tháng Năm tới.
Ông cho biết, các dữ liệu và hình ảnh nhận được là rất rõ ràng và đã xác định được khoảng 10 vật thể cứng gần giống như máy bay, tuy nhiên cần phải được phân tích. Cho đến nay, chưa tìm được manh mối nào liên quan đến MH370.
Trong giai đoạn tiếp theo, nếu không định vị được MH370 trong khu vực được chỉ định, các chuyên gia sẽ bắt đầu đánh giá các dữ liệu và số liệu để đưa ra những chỉ dẫn.
Theo ông Liow, nhóm chuyên gia sẽ đưa ra quyết định bởi họ có kỹ thuật và chuyên môn trong các lĩnh vực này. ''Chúng ta cần lời khuyên từ họ. Chúng ta hãy chờ đợi họ quyết định. Tôi không muốn giành quyền quyết định trước," ông nói.
Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải Malaysia cũng lưu ý rằng chiến dịch tìm kiếm MH370 là lớn nhất trong lịch sử, liên quan đến 26 quốc gia, và 166 tài sản, trong đó có 81 máy bay và 85 tàu.
"Chúng tôi đã dành rất nhiều tiền. Australia đã dành gần 60 triệu đôla Australia cho việc tìm kiếm dưới đáy biển, trong khi Petronas (Malaysia) cho đến nay, đã dành 66 triệu RM (khoảng 20 triệu USD) cho tàu Phoenix Go tìm kiếm ở phía nam Ấn Độ dương. Số tiền sẽ nhiều hơn bởi công việc tìm kiếm vẫn tiếp tục," ông Liow cho biết.
Đội tìm kiếm bao gồm Cục An toàn Giao thông vận tải Australia(ATSB), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB), Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không Anh (AIB), Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), Cục Hàng không dân dụng Malaysia (DCA), và các tập đoàn Thales và Boeing.
Ngày 29/1, Chính phủ Malaysia tuyên bố vụ chuyến bay MH370 mất tích là một tai nạn theo quy định của hàng không quốc tế và tất cả 239 hành khách và phi hành đoàn đã được cho là đã thiệt mạng./.