Các nước Arab đang giữ “con bài” gì để tiếp tục tẩy chay Qatar?
VOV.VN - Các nước Arab và Vùng Vịnh đã lên tiếng cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp mới nhằm tiếp tục tẩy chay Qatar.
Tuy nhiên, sử dụng biện pháp nào là câu hỏi khó khi mà các biện pháp kinh tế dường như không có tác động mạnh và Qatar vẫn nhận được sự ủng hộ của quốc tế về mặt ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh này.
Ảnh minh họa: Reuters
Sau cuộc họp khẩn ở thủ đô Cairo của Ai Cập, Ngoại trưởng các nước Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng bản yêu sách ban đầu gồm 13 điểm của các nước này đã không còn hiệu lực, khẳng định họ sẽ tiến hành các bước về chính trị, kinh tế và pháp lý để chống lại Qatar. Tuyên bố chung cũng nêu rõ các biện pháp của bốn nước Arab và vùng Vịnh nêu trên chỉ nhắm vào chính quyền Qatar, chứ không phải người dân nước này.
Ngoài ra, các quốc gia Arab cho rằng việc Qatar từ chối chấp nhận các điều kiện để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất tại vùng Vịnh trong nhiều năm qua là nguy cơ đe dọa an ninh khu vực. 4 nước trên cũng cho biết sẽ nhóm họp trở lại tại thủ đô Manama của Bahrain song không đưa ra thời gian cụ thể.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa Qatar và một số nước Arab chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại rằng bất đồng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab khác hiện đã lâm vào thế bế tắc và có thể kéo dài hoặc tiếp tục leo thang. Điều này hoàn toàn không có lợi cho tất cả các bên.
Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 6/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: “Nhà Trắng vẫn vô cùng quan ngại về tình hình quan hệ hiện nay giữa Qatar và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), và nguy cơ cuộc khủng hoảng ngoại giao ngày càng bế tắc. Phía Mỹ cho rằng tình hình căng thẳng giữa các nước có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí có thể tiếp tục leo thang”.
Hiện chưa rõ các nước Arab sẽ sử dụng biện pháp gì để chống Qatar. Tuy nhiên, các nước Arab khó có thể tìm ra được một biện pháp đủ mạnh để trừng phạt Qatar mà vẫn có thể tránh được những hệ lụy tác động đến chính mình.
Với những diễn biến tình hình hiện nay, việc sử dụng biện pháp quân sự là rất khó có thể xảy ra. Siết chặt hơn nữa việc phong tỏa và đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Qatar là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Là một quốc gia vùng vịnh, Qatar không chỉ giao thương bằng đường bộ mà còn có đường hàng không và đường biển, trong đó, đường biển là một thế mạnh lớn do nằm ngay bên bờ Vịnh Ba Tư. Căng thẳng Vùng Vịnh: 4 nước Arab sẽ có thêm biện pháp chống Qatar
Cơ sở hạ tầng cảng biển phát triển đồng nghĩa với việc quốc gia nhỏ bé Qatar có thể tiếp tục xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG). Ngoài ra, hệ thống cảng biển này cũng cho phép Qatar nhập khẩu hàng hóa qua đường biển, thay vì nhập khẩu theo đường bộ qua biên giới với Saudi Arabia như trước đây. Chừng nào hoạt động xuất khẩu dầu lửa và khí đốt của Qatar vẫn diễn ra bình thường, thì sức ép đối với nền kinh tế nước này sẽ được giải tỏa.
Do đều là những nước xuất khẩu dầu khí, Qatar không có mối quan hệ đầu tư và thương mại chặt chẽ với các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Điều này sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng từ việc bị cắt quan hệ ngoại giao.
UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Qatar trong số các nước GCC, nhưng chỉ đứng thứ 5 trong danh sách các đối tác thương mại nói chung của nước này. Tương tự, giới đầu tư từ Saudi Arabia và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh khác thường chỉ chiếm từ 5-10% giao dịch trên thị trường chứng khoán Qatar, đồng nghĩa với việc họ rút khỏi thị trường Qatar sẽ không thể khiến giá các cổ phiếu niêm yết ở đây bị nhấn chìm.
Dù phụ thuộc nhiều vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, trong đó 1/3 vẫn thường là hàng nhập khẩu từ Saudi Arabia và UAE, nhưng ngay sau khi bị cô lập, Qatar đã nhanh chóng tìm được đối tác thay thế từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - quốc gia nằm bên kia vịnh Ba Tư.
Khối tài sản khổng lồ cũng khiến Qatar không phải quá lo ngại. Nước này sở hữu một quỹ đầu tư quốc gia trị giá 335 tỷ USD và có nhiều khoản đầu tư khắp toàn cầu.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Qatar Ali Shareef al Emadi từng tự tin rằng, tài sản và vốn đầu tư ở nước ngoài của Qatar tương đương hơn 250% GDP, nên Qatar “vẫn khá thoải mái”, dù bị các nước láng giềng cô lập.
Ông Farouk Soussa, Kinh tế trưởng của ngân hàng Citibank khu vực Trung Đông, cũng nhận định rằng, quỹ đầu tư quốc gia của Qatar đủ lớn để bảo vệ nước này trước sự tẩy chay của các nước láng giềng, thậm chí cả khi đã tính đến độ thanh khoản và khả dụng của một phần lớn trong số các tài sản này.
Trong khi đó, nếu kéo dài cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay, chính các nước Arab cũng sẽ phải chịu hậu quả. Khác với những ngày đầu khi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh khiến thị trường chứng khoán Qatar giảm mạnh, thì tới nay, các thị trường chứng khoán khác ở vùng Vịnh cũng không tránh khỏi tác động tương tự.
Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang lo ngại. Các nước Arab sẽ phải tính toán kỹ lưỡng đến những hậu quả đối với chính mình khi đưa ra các biện pháp mới trừng phạt Qatar./.
Vì sao Qatar vẫn đứng vững trước "sóng dữ" Vùng Vịnh?