Các nước bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19, nhiều chuyên gia lo ngại
VOV.VN - Những ngày qua, nhiều quốc gia như Mỹ và một số nước EU bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế khi tình hình Covid-19, nhất là số ca nhập viện, có dấu hiệu giảm. Điều này đã dấy lên hy vọng đại dịch đang đi đến hồi kết sau khi nhân loại trải qua hơn 2 năm đau thương và mất mát.
Nới lỏng các biện pháp phòng dịch cũng là con đường mà nhiều quốc gia đang theo đuổi, bất chấp thực tế là Covid-19 chưa hạ nhiệt. Sau hơn 2 năm đảo lộn, các nước đang hối hả "tái khởi động", kể cả nước vốn thận trọng như Đức cũng lên kế hoạch đảo ngược các hạn chế từ tuần tới, dù số ca mắc mới hằng ngày vẫn ở mức cao.
Trước đó, vào hôm qua (12/2), Pháp bãi bỏ quy định tất cả người nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn phải trình xét nghiệm âm tính khi đến nước này.
Ngoài ra, kể từ ngày 16/2, các hộp đêm tại Pháp sẽ được phép mở cửa trở lại với điều kiện người đến phải mang khẩu trang. Các lễ hội âm nhạc ngoài trời hay sử dụng thực phẩm, đồ uống tại sân vận động, rạp chiếu phim hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ được nối lại bình thường. Các quy định y tế trong trường học cũng sẽ được điều chỉnh lại ngay sau kỳ nghỉ Xuân vào cuối tháng 2/2022. Thủ tướng Jean Castex giải thích quyết định này được đưa ra dựa trên cơ sở tỷ lệ tiêm phòng cao và tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực.
“Dấu hiệu tích cực đầu tiên là làn sóng do biến thể Delta gây ra đang giảm rõ rệt ở mọi nơi. Đây là tín hiệu rất quan trọng bởi biến thể Delta nguy hiểm hơn so với các biến thể trước. Dấu hiệu đáng khích lệ thứ 2 là làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra bắt đầu chững lại tại những vùng mà biến thể này lây lan mạnh đầu tiên từ cuối tháng 12 năm ngoái”.
Đi trước những nước trên, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế phòng dịch trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo những hạn chế cuối cùng ở Anh sẽ chấm dứt vào cuối tháng 2. Những động thái trên cho thấy các nước này tin một đợt tăng ca bệnh do mở cửa trở lại sẽ không có khả năng gây sức ép cho hệ thống y tế của họ.
Trước đó, từ đầu tháng 2, Liên minh châu Âu cho phép người dân chỉ cần có thẻ xanh (tiêm đủ 2 mũi, hoặc đã khỏi bệnh, hay xét nghiệm âm tính) có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối mà không cần phải tự cách ly.
Các biện pháp dỡ bỏ hạn chế về Covid-19 cũng có thấy tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hôm qua (12/2), Nhật Bản thông báo sẽ nới lỏng chính sách kiểm soát biên giới, bắt đầu bằng việc cho nhập cảnh hơn 1.000 người/ngày trong tháng này và nâng dần con số lên hàng ngàn người. Nam Phi, nơi phát hiện biến thể Omicron đầu tiên cũng đã được hủy bỏ các quy định tự cách ly. Nhiều bang của Mỹ trong tuần này cũng thông báo bỏ yêu cầu đeo khẩu trang…
Mặc dù là mọi người ai cũng muốn có một cuộc sống bình thường như thời kỳ trước Covid-19 nhưng động thái dỡ bỏ hạn chế Covid-19 của một số chính phủ vẫn khiến các chuyên gia và nhiều người lo ngại. Theo Tiến sĩ Wafaa El-sadr, chuyên gia về dịch tễ học tại Đại học Columbia của Mỹ, hiện vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến thể Covid-19 mới, kể cả những đại dịch khác. Do đó, các nước cần mở rộng xét nghiệm tại nhà, cải thiện hệ thống thông gió của các tòa nhà công cộng, tăng cường truy vết biến thể và "nâng cấp" vaccine, thuốc điều trị.
Tiến sĩ Wafaa El-sadr nói: "Tôi nghĩ đối với nhiều người, họ có mong muốn một ngày nào đó Covid-19 biến mất hoàn toàn, họ sẽ thức dậy và nói, “OK rồi, hôm nay không còn Covid-19”. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra. Rất khó có khả năng chúng ta có thể loại bỏ hoặc thậm chí tiêu diệt hoàn toàn được loại virus này. Và, do đó, tôi nghĩ rằng tương lai thực sự là cách chúng ta sống chung với Covid-19. Là cách làm thế nào để chúng ta giảm thiểu rủi ro và đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất, làm thế nào để bảo vệ họ khỏi Covid-19 và nhiều biến chứng của nó "./.