Can thiệp Syria liệu có chấm dứt được khủng bố và tị nạn?
VOV.VN - Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 14/9 có bài phát biểu bảo vệ quyết định của nước này mở rộng các cuộc không kích sang Syria nhằm vào IS.
Hồi đầu tuần trước, các máy bay Rafale của Pháp đã thực hiện những chuyến bay trinh sát đầu tiên tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, chiến dịch không kích chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là cần thiết và nước này đã thực hiện các chuyến bay trinh sát đầu tiên nhằm xác định các mục tiêu trong trường hợp cần thiết.
Tổng thống Pháp Francois Hollande. (ảnh: AFP). |
“Chúng tôi là một phần của liên minh chống IS tại Iraq, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay trinh sát để đánh giá khả năng không kích trong trường hợp cần thiết và điều này chắc chắn là cần thiết tại Syria. Chúng tôi đã chứng tỏ quyết tâm của mình thông qua các hành động tại khu vực Tây Phi”, ông Francois Hollande cho biết.
Tới nay, Pháp mới chỉ tham gia các chiến dịch không kích của liên quân quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng người di cư từ Syria ồ ạt đổ vào các nước láng giềng và châu Âu đã buộc ông Hollande phải có những thay đổi về chiến lược.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian đã có phát biểu giải thích cho sự thay đổi này của nước Pháp.
Theo ông Jean Yves Le Drian, đối với nước Pháp đây là một bước đi cần thiết bởi cuộc chơi đã thay đổi và quốc tế không thể tiếp tục để mặc Syria, vốn đã trở thành một trong những địa bàn hoạt động chính của nhóm Nhà nước Hồi giáo, trở thành một “góc chết” trong chính sách Cận Đông.
Ngày 15/9, Quốc hội Pháp sẽ tranh luận, song không bỏ phiếu về cam kết quân sự của Pháp tại Syria. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là quyết định của Pháp lại được đưa ra đúng thời điểm chính phủ Mỹ cáo buộc Nga triển khai bộ binh tới Syria.
Nga vốn lâu nay bị coi là đồng minh của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những xung đột về lập trường giữa Nga và phương Tây đã “góp phần” đẩy cuộc khủng hoảng lún sâu hơn nữa vào bế tắc.
Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis, những động thái mới nhất của Nga tại một sân bay ở phía Nam Latakia của Syria cho thấy Nga có kế hoạch thiết lập một căn cứ điều hành không quân tại đây. Tuy nhiên cả Nga và Syria đều bác bỏ những cáo buộc này.
Theo các nhà phân tích, quyết định của Pháp và sắp tới có thể là Anh can thiệp vào Syria không chỉ là nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn và nhập cư chưa từng có tại châu lục, mà còn là nhằm hiện thực hóa mục tiêu buộc Tổng thống Syria al-Assad phải từ bỏ quyền lực.
Bộ Ngoại giao Syria mới đây cảnh báo, nước này ủng hộ các nỗ lực chống Nhà nước Hồi giáo nếu được tiến hành phối hợp với chính quyền Syria, song bất cứ các hành động nào khác đều sẽ là xâm phạm chủ quyền nước này.
Và đây cũng chính là điều khiến các nhà quan sát lo ngại, bởi can thiệp quân sự vào Syria chưa chắc đã giúp tiêu diệt các tay súng Nhà nước Hồi giáo và giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay, mà thậm chí còn có thể đẩy Syria lún sâu hơn nữa vào bế tắc, nhất là trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động như hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey mới đây cũng phải thừa nhận, can thiệp quân sự mà không có một đối tác đáng tin cậy tại Syria có thể tạo ra một “nhà nước thất bại”, biến các lực lượng vũ trang thành công cụ duy nhất của quyền lực. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura ngày 14/9 đã kêu gọi một giải pháp chính trị và coi đây là cách duy nhất để chấm dứt xung đột tại Syria.
“Chỉ có một kế hoạch duy nhất đó là thông cáo Geneva. Một điều không thể phủ nhận là chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề khủng bố, song chúng ta cũng không được phép quên rằng sẽ không thể giành chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố nếu chúng ta không cùng nhau tìm ra được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Chúng ta phải tìm cách duy trì các thể chế nhà nước để tránh nguy cơ sụp đổ như những gì xảy ra tại Libya”, đặc phái viên Staffan de Mistura nói.
Kể từ khi bùng phát năm 2011, cuộc xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của 250.000 người và buộc một nửa dân số Syria phải rời bỏ nhà cửa. Và điều nghiêm trọng hơn, cuộc khủng hoảng này đang tạo ra nhiều hệ lụy không dễ giải quyết không chỉ đối với khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu./.