Căng thẳng Nhật Bản - Trung Quốc leo thang trở lại
VOV.VN - Căng thẳng bùng phát sau khi Nhật Bản cho biết có thể đưa người tới làm việc trên quần đảo tranh chấp.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang trở lại, đúng 1 năm sau ngày chính phủ Nhật Bản chính thức quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp mà nước này gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc ngày 10/9 tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích nào, trong khi chính phủ Nhật Bản cho biết có thể sẽ đưa các nhân viên chính phủ tới làm việc tại quần đảo tranh chấp nhằm bảo vệ chủ quyền của mình.
Các tàu Hải giám Trung Quốc và tàu của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ngày 10/9 (Ảnh: Reuters) |
Một ngày sau khi Nhật Bản phát hiện một máy bay không người lái bị tình nghi của Trung Quốc đang bay về phía Nhật Bản trên biển Hoa Đông, Trung Quốc ngày 10/9 đã đưa 7 tàu tuần tra tiến vào vùng biển mà phía Nhật Bản cho rằng đó là lãnh hải của mình.
Mặc dù các tàu của Trung Quốc đã rời đi ngay sau đó, song động thái này của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản phản ứng gay gắt. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo tới để bày tỏ phản đối trước sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại vùng lãnh hải của Nhật Bản. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố nước này lấy làm tiếc khi các tàu của Trung Quốc tiếp tục ra vào tại vùng lãnh hải của Nhật Bản và chính phủ Nhật Bản đang tiến hành các phản ứng kiên quyết, song bình tĩnh nhằm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của nước này. Ông Suga khẳng định Nhật Bản sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề chủ quyền, thậm chí có thể đưa các nhân viên chính phủ đến làm việc trên các đảo tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cùng ngày đã kêu gọi Trung Quốc nối lại đàm phán về thiết lập đường dây nóng nhằm cải thiện thông tin liên lạc giữa các quan chức quốc phòng 2 nước, tránh sự va chạm hàng hải tại quần đảo tranh chấp.
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tuyên bố trên của Nhật Bản, đồng thời khẳng định chính phủ Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước và cảnh báo Nhật Bản sẽ phải hứng chịu những hậu quả nếu như tiến hành các động thái khiêu khích.
Nói về việc một loạt tàu Trung Quốc đổ về vùng biển tranh chấp, ông Hồng Lỗi tuyên bố, đó chỉ là một hoạt động bình thường, định kỳ của nước này. “Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mình và cam kết đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề liên quan. Các tàu tuần tra của Trung Quốc tại vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư là một hoạt động tuần tra thường xuyên nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của chúng tôi”, ông Hồng Lỗi nhấn mạnh.
Trong nhiều tháng gần đây, tàu thuyền và máy bay của Nhật Bản, Trung Quốc thường xuyên qua lại ở khu vực lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp, làm dấy lên căng thẳng trong khu vực. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku.
Ngày 11/ 9/2012, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, một động thái gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và làm bùng phát căng thẳng giữa 2 quốc gia châu Á. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ tăng cường bảo vệ trong ngày kỷ niệm một năm Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo thuộc Senkaku./.